Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng phân bổ lượng hạn ngạch trên để xuất khẩu. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, quy trình để cấp phát hạn ngạch sẽ theo một cách khác.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo, mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ.
Những doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện cần liên hệ với doanh nghiệp EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán.
Bộ Công Thương lưu ý, EC quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Quy định xác nhận chủng loại gạo chỉ áp dụng với hạn ngạch miễn thuế, không phải tất cả gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Hiện lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp. Năm 2019, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm.
Nguyên nhân là do trước đó Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan hoặc được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.
Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam dành được lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm. Lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.
Theo Thùy Linh
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/80-000-tan-gao-mien-thue-vao-eu-duoc-phan-bo-han-ngach-ra-sao/20200819031111212"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/80000-tan-gao-mien-thue-vao-eu-duoc-phan-bo-han-ngach-ra-sao-a8352.html