Chủ động đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất

Lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Thời gian gần đây, thiên tai diễn biến không tuân theo quy luật, cực đoan và khó lường. Đáng chú ý, tại các tỉnh miền núi phía bắc, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm 2020, khu vực này đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn (nhiều hơn tổng số trận của cả năm 2019). Trong đó, có tám đợt mưa lớn trên diện rộng, hai trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở, với khoảng 54 nghìn nhà sập, hư hại, tốc mái...

Ảnh minh hoạ

 

Trong tuần qua, mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh Lào Cai, Điện Biên và Hà Giang đã làm chín người chết, cùng nhiều nhà cửa, diện tích lúa, hoa màu bị hư hại; nhiều tuyến đường bị ách tắc.

Trên địa bàn TP Sơn La (Sơn La), ngày 8-8, xảy ra hiện tượng đá lăn tại các bản Bôm Nam (xã Chiềng Đen), bản Púng (xã Chiềng Ngần), làm một người chết, một người bị thương...

Thực tế cho thấy, hình thái thiên tai nguy hiểm đang là những thách thức lớn đặt ra đối với khu vực miền núi phía bắc. Trước hết, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra và gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những năm gần đây, trong khi đó đây lại là loại hình thiên tai điển hình của khu vực này. Hơn nữa, đây cũng là vùng có nhiều hồ thủy điện, thủy lợi lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu công tác phòng, chống, ứng phó không chủ động ngay từ đầu thông qua hình thức liên hồ chứa, vận hành một quy trình hợp lý, hài hòa.

Xác định khu vực miền núi phía bắc là vùng trọng tâm của lũ quét, sạt lở đất, để chủ động phòng, tránh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, thiết nghĩ, trước mắt và lâu dài cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng, nhận thức của toàn dân, hệ thống chính trị về công tác chuẩn bị cũng như sự vào cuộc một cách quyết liệt để chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất có thể xảy ra.

Ngày 18-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 4793/BNN-PCTT về việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía bắc năm 2020. Theo đó, các biện pháp đặt ra là yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn khu dân cư ven sông, suối; thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ. Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Đặc biệt, cần rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị; bảo đảm kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng, gây chia cắt; không để bị động bất ngờ. Mặt khác, các tỉnh miền núi phía bắc cần triển khai ngay lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn; các khe suối bị tắc nghẽn; có giải pháp sơ tán dân, cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tình trạng tích thủy tạo lũ ống, lũ quét; bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động.

Đồng thời, kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng thường trực tại hồ để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không bảo đảm an toàn. Về lâu dài, các địa phương cần ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm các hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Thêm vào đó cần xây dựng các hoạt động phục vụ thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, năng lực chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, phục hồi tái thiết sau thiên tai.

Trước tác động của biến đổi khí hậu với những hình thái thời tiết cực đoan vô cùng khốc liệt, đòi hỏi phải rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, những vấn đề trước mắt và các nhóm giải pháp lâu dài để chủ động phòng tránh.

Trong thời gian tới, cần tổng rà soát lại toàn bộ dân cư của 13 tỉnh khu vực miền núi phía bắc để đưa ra lộ trình tổng thể bố trí, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm tính an toàn cao nhất trước hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, phương thức sản xuất cũng phải bảo đảm thích ứng nhất theo điều kiện bất thuận của thời tiết, góp phần giảm rủi ro đến mức thấp nhất.

PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-tai-chinh-vua-ban-thanh-thong-tu-quy-dinh-muc-thu-nop-phi-su-dung-duong-bo-nham-ho-tro-cac-doi-tuong-bi-anh-huong-do-dich-covid-19-theo-do-ke-tu-a110287.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/chu-dong-de-phong-mua-lon-gay-lu-quet-sat-lo-dat-a8217.html