Dệt may là một trong những ngành sản xuất chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Đến thời điểm này vẫn nhiều doanh nghiệp lao đao, điêu đứng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất dệt chỉ tăng 2,8%, bằng 1/3 so với cùng kỳ ngoái. Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian này, tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu; đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán; ngành dệt may mất tới 50% đơn hàng trong tháng 5 và giá sản phẩm giảm khoảng 20%. Những yếu tố này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình cảnh điêu đứng, khó khăn gấp bội phần.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên nêu thực tế: Như mọi năm, đơn hàng khoảng tháng 7, 8 đã bắt đầu ký đơn hàng để sản xuất từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nhưng do Covid-19, hiện khách hàng hầu như chưa đến.
“Cho đến bây giờ có thể nói rằng đơn vị nào có năng lực thì sản xuất của Quý 4 được khoảng 10%, còn lại hầu như chưa có gì cả. Đây là điều đáng báo động cho toàn ngành dệt may về vấn đề sản xuất hàng cuối năm nay”, ông Dương cho hay.
Cũng là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dệt may với trên 12.000 lao động, Tổng công ty May 10 từ tháng 3 đến nay, các đơn hàng đối với thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu… đều bị sụt giảm nghiêm trọng.
Những sản phẩm chủ lực của May 10 trong những năm qua như veston, sơ mi, quần âu và may mặc thời trang công sở cầu bị giảm sút rất mạnh, thậm chí có thời điểm doanh nghiệp phải hủy đơn hàng đối với các đối tác nhập khẩu.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, trong quý 1 doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức thiếu nguồn cung nguyên liệu. Đến quý 2 bị “gẫy cầu” vì tất cả các sản phẩm tiêu thụ ở các thị trường lớn đều dừng nhập khẩu. Chính vì vậy lượng hàng trong quý 2 thiếu 35-50% năng lực sản xuất của May 10 do không có đơn hàng.
“Hiện đã có một số khách hàng có dấu hiệu quay trở lại đặt hàng, nhưng sản lượng hồi phục và giá hồi phục thì vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, lượng đặt hàng hồi phục hiện nay chỉ chiếm khoảng 50 - 60% năng lực sản xuất của May 10, còn về giá thì họ đang yêu cầu phải giảm 10 - 20% so với cùng kỳ 2019. Đây là những vấn đề mà chúng tôi đang phải đau đầu để cân đối”, ông Việt chia sẻ.
Để đối phó với tình hình trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể như, khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...
Còn theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để ngành dệt may đào tạo lại người lao động, nâng cao tay nghề nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm giữ chân khách hàng trong gian đoạn tiếp theo. Cùng với đó, để giảm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, nhà nước cần tăng cường các hoạt động bảo lãnh, Ngân hàng Trung ương tăng cường cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, bằng cách để điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn. Khi mà lãi suất được giảm, thời hạn cho vay được dài hạn thì mới có thể phục hồi sức khỏe cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định: “Chúng ta đã là người đi trước, nhưng đừng bao giờ là người về sau. Chúng ta đi trước trong việc phòng chống dịch bệnh, nhưng rất có thể về sau trong cuộc tái khởi động phục hồi kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh có sự chuyển dịch nhanh chóng của các chuỗi cung ứng, chúng ta có thể sẽ mất thời cơ của các nền kinh tế khác thâm nhập vào chuỗi cung ứng”.
Theo dự báo của của Bộ Công Thương, theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết… Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; theo đó cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần.
Tháng 8 tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được thực thi với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Điều này sẽ mở ra thị trường xuất khẩu lớn với 500 triệu dân, trong đó ngành may mặc được hưởng lợi nhiều khi được giảm thuế nhập khẩu về 0%... Điều này được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy doanh nghiệp dệt may./.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-det-may-dieu-dung-vi-bi-hoan-huy-don-hang/20200729073740894"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doanh-nghiep-det-may-dieu-dung-vi-bi-hoan-huy-don-hang-a8038.html