Ninh Bình: Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp

Việc thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đang được tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp trong tỉnh này sớm khôi phục sản xuất, giữ đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Dây chuyền sản xuất nhôm định hình chất lượng cao tại Nhà máy nhôm Việt-Pháp

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 306 doanh nghiệp, giảm 6,42% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký trên 2.219 tỷ đồng, giảm 35,75% so với cùng kỳ; đăng ký thành lập mới cho 96 đơn vị trực thuộc, bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Đăng ký thay đổi cho 457 lượt doanh nghiệp, 91 đơn vị trực thuộc và 26 Quỹ tín dụng nhân dân. 

Đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình cũng đã chấp nhận tạm ngừng cho 133 doanh nghiệp và 15 đơn vị trực thuộc. Chấp thuận giải thể 28 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, số doanh nghiệp thành lập giảm trong 6 tháng đầu năm một mặt cho thấy tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung, nhưng mặt khác cũng phản ánh việc doanh nghiệp chờ đợi cơ hội khởi nghiệp rõ ràng hơn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và xã hội chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", chung sống an toàn với dịch bệnh.

Để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 6 tháng cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục thực hiện chuẩn hóa và số hóa dữ liệu của doanh nghiệp trong tỉnh tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuẩn hóa mã số và thông tin đăng ký doanh nghiệp để đồng bộ hóa tình trạng hoạt động doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Cùng với đó, triển khai thực hiện bộ thủ tục hành chính đã được công bố tới các sở, ban, ngành, UBND tỉnh, các địa phương. 

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Nhiều TTHC không cần thiết, nhất là thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư... đã được loại bỏ, cơ chế một cửa đã được triển khai đến các sở, ngành, địa phương, góp phần đưa môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước tiến mới, minh bạch và bình đẳng hơn.

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình và các đơn vị có liên quan đã rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể, thời gian trung bình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới là 2 ngày, thời gian trung bình đăng ký thay đổi là 1,5 ngày và thông báo mẫu dấu là 1,66 ngày. Tất cả TTHC được công khai theo 2 hình thức là: niêm yết công khai trên website Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo chính xác, rõ ràng, đầy đủ, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời có cơ sở, điều kiện để thực hiện giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của cán bộ, công chức. 

Cùng với đó, ngành Thuế đã phối hợp với các ngân hàng thương mại chi nhánh Ninh Bình triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch và đơn giản các thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 4.562 doanh nghiệp đăng ký thành công dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và ngân hàng thương mại, đạt 99% trên tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp được thực hiện bằng phương thức điện tử. 

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành, các cấp vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện giao dịch điện tử trong các nghiệp vụ thu, nộp bảo hiểm. Kết quả đến tháng 6, số đơn vị thực hiện giao dịch điện tử là 2.881 đơn vị, chiếm 90,7% số đơn vị phải tham gia bảo hiểm; 455.083 hồ sơ giao dịch điện tử, chiếm 90,8% tổng số hồ sơ thuộc diện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 92%. 

Ngành Công Thương đã triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công và xúc tiến thương mại năm 2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình ban hành chính sách kích cầu thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử; tìm kiếm đầu vào cho sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu thay thế cho thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sở Công Thương cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu…

Theo Hoài Thu

"https://thuonghieucongluan.com.vn/ninh-binh-cai-thien-moi-truong-dau-tu-ho-tro-doanh-nghiep-a107515.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ninh-binh-cai-thien-moi-truong-dau-tu-ho-tro-doanh-nghiep-a7739.html