Kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Sáng ngày 10/7/2020, Tổng cục Thống kê đã họp báo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1 năm 2020 đến nay đã tác động đến lao động, việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Lao động làm việc trong khu vực Dịch vụ bị tác động tiêu cực nhiều nhất trong ba khu vực kinh tế. Dịch Covid-19 đã khiến tình trạng lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II năm 2020 tăng cao gấp khoảng 1,5 lần so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đa phần lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người trẻ, dưới 34 tuổi.

Tác động của dịch Covid-19 đã làm cho lao động gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tham gia thị trường lao động và đóng góp sức lao động của mình trong chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Hậu quả là, đối với bản thân người lao động, thu nhập của họ đã giảm đáng kể so với trước khi xảy ra đại dịch. Cùng thời điểm năm trước, trong khi tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 đạt 16,6%, thu nhập quý II năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm hơn 5%. Thu nhập của nhóm lao động làm chủ cơ sở giảm nhiều nhất so với các nhóm lao động có vị thế khác.

Trước tình hình khó khăn của người lao động trong việc tiếp cận công việc để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và người lao động, trong đó có Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đối với tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP: ngành lao động, thương binh và xã hội đã triển khai nhanh, đúng mục đích, yêu cầu với tinh thần khẩn trương, chặt chẽ, hiệu quả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến đúng đối tượng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25/6/2020, các địa phương đã thực hiện chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỷ đồng.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Mặc dù tốc độ tăng GDP trong quý II năm 2020 thấp kỷ lục trong nhiều năm qua nhưng là mức tăng trưởng dương mà nhiều nước trên thế giới không đạt được. Tuy vậy, dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn ra phức tạp với nhiều nguy cơ bùng nổ làn sóng dịch lần thứ 2 tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động tại Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần thực hiện 5 giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Theo kết quả Điều tra lao động việc làm, 57,3% người từ 15 tuổi trở lên bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy cần nâng cao hiệu quả giải ngân các gói hỗ trợ thu nhập cho người dân vượt qua đại dịch.

Thứ hai, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thứ ba, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải…

Thứ tư, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới, lao động không sử dụng hết tiềm năng có xu hướng gia tăng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trong trạng thái “bình thường mới”, mặt khác cần tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phát huy tiềm năng và thế mạnh góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ năm, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới sau khi xảy ra dịch Covid-19 để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội.

Báo cáo về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2020 đạt 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 34,3%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,5 triệu người, chiếm 44,9% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 13,0 triệu người, chiếm 23,9%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2019

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 là 53,0 triệu người, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn, giảm gần 1,2 triệu người. Lao động nữ giảm 877,4 nghìn người, mức giảm này cao gấp 1,8 lần so với lao động nam (lao động nam giảm 498,0 nghìn người).

Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2020 trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 17,6 triệu người, (chiếm 33,2%), giảm hơn gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 30,7%), tăng 178,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Dịch vụ là 19,1 triệu người (chiếm 36,1), giảm 257,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020 là 55,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn là 62,1%, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2020 là 2,58%, tăng 1,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tăng 1,2 điểm phần trăm.

Thu nhập của người lao động giảm

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5,5 triệu đồng, giảm 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,2 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong 6 tháng đầu năm 2020 là 6,7 triệu đồng, giảm 11 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp tăng lên

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 123,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 2,47%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước.
 
Số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 là khoảng 451,6 nghìn người, chiếm 36,8% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm 2020 là 7,0%, tăng 0,43 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,45%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo Nhật Xuân

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kien-nghi-5-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-tieu-cuc-boi-dich-covid-19/20200710033214062"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kien-nghi-5-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-tieu-cuc-boi-dich-covid-19-a7714.html