Việt Nam có thêm 1 Công viên Địa chất toàn cầu

Ngày 7/7, Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.

Thác Liêng Nung ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) (Ảnh: internet)

 

Trong thời gian qua, các bộ ngành liên quan, trong đó có Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đắk Nông cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phối hợp, nghiên cứu các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, trên cơ sở đó xây dựng và đệ trình hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông lên UNESCO vào tháng 11/2018.

Công viên Địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015, với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10 km, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên Địa chất Đắk Nông, miền đất của những âm điệu, từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Theo quy định, tháng 9/2019, Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu đã họp tại Indonesia và xem xét, đánh giá tổng thể các hồ sơ được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đề cử trên toàn thế giới, trong đó có Hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam.

Trên cơ cơ sở đánh giá khoa học về các giá trị của Hồ sơ đề cử, căn cứ theo các tiêu chí chặt chẽ của Công viên Địa chất toàn cầu, Hội đồng đã nhất trí khuyến nghị Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua việc đề cử Công viên Địa chất Đắk Nông gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu.

Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Chấp hành UNESCO định họp và thông qua tại khóa họp lần thứ 209 vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, khóa họp đã diễn ra từ ngày 29/6-10/7.

Vào ngày 7/7, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu.

Sau khi được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, các cơ quan liên quan trong đó có Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Nông, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ TN&MT, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hoá, lịch sử, truyền thống dân tộc… song song với phát triển kinh tế-xã hội chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Với sự công nhận của UNESCO, Công viên Địa chất Đắk Nông trở thành Công viên Địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).

“Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO” là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Theo Hà Trần

"https://thuonghieucongluan.com.vn/viet-nam-co-them-1-cong-vien-dia-chat-toan-cau-a106622.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/viet-nam-co-them-1-cong-vien-dia-chat-toan-cau-a7648.html