Theo đó, để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ đập, nhất là các hồ, đập lớn trong quá trình vận hành phục vụ sản xuất nói chung và trong công tác xả lũ trong mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã và đang ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung hoạt động.
Theo đó, kiểm tra công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2020; xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho từng công trình hồ chứa theo nội dung quy định; lập phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du đập cho từng công trình; chỉ đạo vận hành thử các trạm bơm tiêu úng, cửa tràn xả sâu và các cống tiêu lớn.
Tại hồ chứa nước Yên Mỹ là một trong những hồ chứa lớn của tỉnh, có diện tích lưu vực 137 km2, dung tích ứng với 87,13 x 106 m3, đập chính dài 715m, cao 26m, là công trình quan trọng cấp tỉnh. Hồ có nhiệm vụ tưới chủ động cho 5.840 ha đất canh tác thuộc 18 xã phía Bắc thị xã Nghi Sơn và Nông trường Yên Mỹ; cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn, cắt 50% lượng lũ của sông Thị Long với tần suất P = 1%.
Với mục đích xác định hoặc dự kiến được tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt khi xảy ra sự cố; đề ra phương án bảo vệ, phòng tránh hoặc giảm nhẹ thiệt hại cho các khu dân cư, cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; xây dựng phương án sơ tán nhanh chóng, triệt để dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ năm 2020.
Trong phương án, trên cơ sở căn cứ vào đặc điểm về vị trí địa lý của công trình, vật liệu kết cấu của đập, đặc điểm nền đập, hiện trạng chất lượng đập, năng lực xả lũ của hồ chứa, đặc điểm về an ninh - quốc phòng vùng hạ du, công ty đã đưa ra dự kiến 3 tình huống xem xét để xây dựng phương án xả lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Ngoài ra, còn đề xuất phương án phòng chống, chủ động ứng phó giảm nhẹ thiên tai.
Hồ Sông Mực là hồ chứa lớn, cắt giảm lũ cho vùng hạ du với tần suất P = 0,5%; đồng thời, đảm nhiệm tưới cho 11.344 ha sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Như Thanh và Nông Cống, nên ngay từ đầu tháng 6-2020, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
Theo đó, phương án đã được xây dựng và thẩm định ứng phó tại công trình đầu mối, với mục tiêu bảo đảm an toàn công trình đầu mối theo phương châm “4 tại chỗ”, quy định vận hành trong mùa mưa lũ. Đồng thời, xây dựng các cấp mực nước báo động chống lũ hồ và một số tình huống sự cố, biện pháp xử lý đối với công trình đầu mối, cũng như bảo đảm vật tư dự phòng và nhân lực ứng cứu, ứng phó với các tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, đơn vị quản lý và khai thác hồ Sông Mực cũng xây dựng phương án ứng phó với lũ, ngập lụt ở vùng hạ du đập, nhằm xác định hoặc dự kiến được tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt khi xảy ra sự cố; phương án bảo vệ, phòng tránh hoặc giảm nhẹ thiệt hại cho vùng hạ du và phương án sơ tán dân nhanh chóng, triệt để, bảo đảm an toàn tính mạng cho Nhân dân. Phương án cũng đã dự kiến các tình huống và cách xử lý các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Việc xả giúp cắt, giảm lượng lũ cho các địa phương vùng thượng nguồn, song lại ảnh hưởng đến vùng hạ du. Do đó, các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi đã và đang nỗ lực xây dựng phương án sát với thực tế, để việc ứng phó khi có tình huống xảy ra đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Hoài Thu
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-chu-dong-xay-dung-phuong-an-xa-lu-an-toan-cho-ho-dap-lon-a106250.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/thanh-hoa-chu-dong-xay-dung-phuong-an-xa-lu-an-toan-cho-ho-dap-lon-a7587.html