Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên khai mạc, phiên họp toàn thể, các phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 đại diện cho Việt Nam phát biểu tại phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN với AIPA.
Những thách thức an ninh truyền thống
Riêng về Biển Đông, các đại biểu tham dự các Hội nghị nhất trí, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cộng đồng thế giới đang tập trung các nỗ lực chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng khôi phục đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trên tinh thần đó, với cương vị chủ trì các phiên họp nói trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng lên tiếng kêu gọi các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Trong quá trình này, cần hết sức đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, quân sự hóa, thực hiện đầy đủ DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Như vậy, có thể thấy Biển Đông vẫn sẽ là một trong những chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26/6 nhằm hướng tới việc đảm bảo hoà bình, trật tự, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tránh những xung đột không đáng có và những toan tính sai lầm có thể làm leo thang căng thẳng.
Với những nỗ lực nhằm đảm đương vai trò trung tâm của ASEAN đối với khu vực, các đại biểu tin tưởng, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ tìm ra các biện pháp hiệu quả, thiết thực cho vấn đề Biển Đông cũng như thức đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực để cùng chung tay giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống khác.
ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng
Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm là hội nghị nội bộ của các Lãnh đạo ASEAN. Các Nhà Lãnh đạo sẽ rà soát công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-35, cho ý kiến chỉ đạo về hướng triển khai các trọng tâm ưu tiên của năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tới và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, chắc chắn rằng một trọng tâm được các Nhà Lãnh đạo tập trung trao đổi sẽ là tiếp tục hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19 và tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN.
Trên tinh thần đó, các Nhà Lãnh đạo sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Thời gian qua, Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch ASEAN, đã cùng các nước thành viên ASEAN khác, thực hiện nhiệm vụ kép “vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020”.
Về ứng phó dịch bệnh, ASEAN đã xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN về Covid-19 ngày 14/4, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, lập Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN. ASEAN cũng có nhiều cuộc họp trực tuyến với các đối tác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga... để thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với Covid-19, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch bệnh.
Theo T.N
"https://thuonghieucongluan.com.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-36-ban-ve-giai-phap-cho-bien-dong-a104431.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-36-ban-ve-giai-phap-cho-bien-dong-a7423.html