TP.HCM: Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tránh né hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ, mùa vụ ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM vừa có báo cáo thực hiện chương trình hành động về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 6 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, về công tác phát triển “Chuỗi thực phẩm an toàn”, lũy kế đến nay, Ban Quản lý Đề án chuỗi đã cấp 493 Giấy chứng nhận cho 367 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi với tổng sản lượng 231.503 tấn/năm.

Về Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, từ ngày 1/1/2020 đến 9/6/2020, đã tiếp nhận 28 hồ sơ, trong đó giải quyết cấp code cho 26 hồ sơ.

Lũy kế đến nay tiếp nhận 213 hồ sơ; trong đó giải quyếtcấp code cho 205 hồ sơ, 8 trường hợp cơ sở xin rút hồ sơ. Với tổng sản lượng tham gia Đề án heo thịt 931.632 con/năm, gà thịt 16.069.300 con/năm, trứng 194.778.700 quả/năm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền với 48.117 xe, tổng lượng heo nhập là 940.561 con.

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tránh né hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng

 

Công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố. Qua công tác thanh kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, phát hiện chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ, ngành nghề truyền thống, mùa vụ ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Một bộ phận người dân nhất là dân lao động nghèo có thu nhập thấp thường chọn mua hàng thực phẩm giá rẻ, tạo điều kiện cho thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP. Mặt khác, chưa có biện pháp chế tài đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết, trong 6 tháng cuối năm, tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện giám sát ATTP Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố, học kỳ 2, năm học 2019 - 2020.

Tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp về đảm bảo ATTP trong khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2023. Triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP và nhân rộng các mô hình điểm kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2020 và các năm tiếp theo.

Mặt khác, tiếp tục phát triển, triển khai các Đề án, Dự án đảm bảo ATTP, mở rộng chủng loại sản phẩm tham gia chuỗi. Kiểm tra định kỳ và lấy mẫu giám sát ATTP đối với sản phẩm tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” và Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo,thịt gia cầm và trứng gia cầm” lưu thông trên thị trường thành phố để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Cũng như phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương khác nhằm kịp thời ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo ATTP trên thị trường.

Theo Đức Linh

"https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/tp-hcm-nhieu-co-so-san-xuat-che-bien-thuc-pham-tranh-ne-hoat-dong-kiem-tra-cua-co-quan-chuc-nang/20200622112431261"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tphcm-nhieu-co-so-san-xuat-che-bien-thuc-pham-tranh-ne-hoat-dong-kiem-tra-cua-co-quan-chuc-nang-a7346.html