Hậu Covid-19: Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc

Trong nội dung bản báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 VEPR cho rằng Việt Nam nên thận trọng hơn để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó cần rà soát lại các chinh sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Vào sáng ngày 17/6 vừa qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2020.

Tại buổi hội thảo, sau khi phát biểu khai mạc, TS.Nguyễn Đức Thành – Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã có nội dung trình bày về các nội dung chính trong bản báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2020.

Ông Thành có điểm sơ qua về một số nội dung chính trong bản báo cáo. Trong đó có đề cập đến nội dung đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2019. Cụ thể, trong nội dung chi tiết bản báo cáo có ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 Việt Nam đạt 7,02% vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Trong đó đóng góp chủ yếu vào hai khu vực tăng trưởng là công nghiệp & xây dựng (50,4% và khu vực dịch vụ (45%).

Năm 2019 dịch vụ bán lẻ và tiêu dùng có tổng giá trị ước đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8%. Trong đó khối lượng bán lẻ (loại trừ yếu tố giá) tăng tới 9,2%. Các ngành hàng bán lẻ hàng hóa thiết yếu đạt mức tăng trưởng tốt.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 10,2% so với 2018 trong đó vốn khu vực nhà nước chiếm 31% tăng 2,6%; khu vực ngoài nhà nước chiếm 46% tăng 17,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23% tăng 7,9%.

Tổng vốn FDI giải ngân tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng vốn đăng ký mới và bổ sung tiếp tục giảm. Có tất cả 3.883 dự án FDI được cấp mới tăng 27,5% so với năm 2018. Trong đó công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn là ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI nhất với tổng số vốn đăng ký chiếm 72,2%. Trong đó Hàn Quốc là đối tác đầu tư dẫn đầu trong năm 2019 với tổng số vốn đăng ký đạt 3,66 tỷ USD.

Kết thúc năm 2019 cán cân thương mại thặng dư 9,9 tỷ USD gấp 2 lần mức thặng dư của năm 2018. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khi Trung Quốc dẫn đầu về thị trường nhập khẩu. Tính chung cả năm 2019, Khu vực FDI xuất siêu 35,85 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 25,91 tỷ USD.

TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2020

 

Trong năm 2019, CPI bình quân tăng 2,79% thấp hơn mức tăng 3,54% của năm 2018 và vẫn dưới ngưỡng 4% mà Chính phủ đặt ra. Lãi suất ngân hàng huy động của các Ngân hàng Thương mại duy trì khá ổn định ở mức 5%/năm trong 9 tháng đầu năm và giảm nhẹ ở cuối năm do Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Trong khi đó lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao khoảng 7-9%. Tăng trưởng huy động trong năm 2019 đạt 12,5%, cao hơn so với năm 2018. Trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12,10% - thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Trên thực tế, thu ngân sách không đủ bù đắp cho chi ngân sách. Mức thâm hụt ngân sách trong năm 2019 ước tính vào khoảng 209,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP thấp hơn so với mức dự đoán của Quốc hội đã được phê duyệt vào đầu năm là 3,6%.

Trong nội dung bản báo có có đề cập đến vấn đề nhằm đáp ứng các khoản chi ngân sách trong năm 2020, Chính phủ đã đề xuất quốc hội cho vay thêm hơn 495.000 tỷ đồng để chi tiêu. Bộ tài chính cho biết hiện Việt Nam đang lên kế hoạch vay 1 tỷ USD từ nước ngoài trong năm 2020 để bù đắp cho thâm hụt ngân sách do Covid-19.

Cũng trong bản báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2020 VEPR cho biết, tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%. Lạm phát bình quân cả năm là 2,79% thấp hơn so với mục tiêu là 4%. Thương mại và đầu tư quốc tế tăng trưởng cao. Thị trường tiền tệ, vốn và tỷ giá đểu có sự ổn định và nằm trong tầm kiểm soát. Thâm hụt ngân sách và nợ công cũng có những cải thiện nhất định.

Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam hiện cũng đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro như: Tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào FDI, thậm chí có một vài doanh nghiệp FDI. Khối doanh nghiệp tư nhân còn dưới mức tiềm năng và phải chịu nhiều rào cản bởi môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Không gian chính sách cho chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá. Và chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách không nhiều chuyển biến và khối tài sản nhà nước ngày càng thu hẹp. Việc này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thiếu đệm tài khóa để đối phó với các cú sốc bên ngoài.

Trong bản báo cáo cũng đưa ra nội dung một số lưu ý về chính sách cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trong nội dung bản báo cáo VEPR cho rằng Việt Nam nên thận trọng hơn để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó cần rà soát lại các chinh sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần thận trọng với việc gia quyết định gia tăng vay nợ mới để trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu, đặc biệt trước tình hình quy mô GDP được tính lại từ năm 2020 khiến trần nợ công có thể được nới lỏng. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động về kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt các tác động từ cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ ở mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn. Cuối cùng, ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Theo Huyền Phạm

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/hau-covid-19-viet-nam-nen-than-trong-de-khong-tro-thanh-san-sau-cua-trung-quoc-va-han-quoc/20200617051410103"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/hau-covid-19-viet-nam-nen-than-trong-de-khong-tro-thanh-san-sau-cua-trung-quoc-va-han-quoc-a7287.html