Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, đồng thời đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân tại BQLDA Nhiệt điện Thái Bình vì có liên quan đến một số sai phạm, thiếu sót.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đề nghị BQLDA Nhiệt điện Thái Bình kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai sót, như:
Trình phê duyệt dự án đầu tư không có trong quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiệm thu, thanh toán khi chưa đầy đủ thủ tục.
Đồng ý đàm phán, ký kết hợp đồng gói thầu số 11 với nội dung chào sai khác sử dụng xi măng Poorlang PCB40 thường kết hợp với các loại phụ gia khoáng hoạt tính cao (silicafume, tro trấu…) không phù hợp với Tiêu chuẩn ACI 318M-08 của Viện bê tông Hoa Kỳ.
Chưa đàm phán, thương thảo giá gói thầu số 11 với nhà thầu Marubeni khi hạng mục xây dựng thi công thay đổi so với hợp đồng (hạng mục Cảng tạm phục vụ nhà thầu xây dựng); nghiệm thu khi cấp phối trong phiếu thí nghiệm chống xâm thực sunfat do đơn vị cung cấp cho Đoàn kiểm toán chưa phù hợp với cấp phối bê tông thực tế sản xuất cọc PHC.
Công tác lập thiết kế kỹ thuật, dự toán gói thầu 26 chưa chính xác; lập hồ sơ mời thầu với hình thức hợp đồng trọn gói khi chưa xác định chính xác khối lượng làm tăng chi phí công trình tại gói thầu số 26; mời thầu, ký kết hợp đồng và thanh toán cả khối lượng sai số nạo vét tại gói thầu số 23.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đối với Chủ đầu tư còn để xảy ra sai sót, tồn tại trong việc trình phê duyệt dự án không có trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật chưa chính xác; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu làm tăng chi phí đầu tư.
Được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng công ty Phát điện 3, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình được giao nhiệm vụ quản lý dự án. Công trình được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 22/2/2014.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình có hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 600 MW (2x300 MW), là một trong 2 nhà máy của Trung tâm Điện lực Thái Bình, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 26,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,27 tỷ USD), trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của EVN. Tổng thầu thực hiện Dự án là Tập đoàn Marubeni Corporation (MC) - Nhật Bản.
Sau hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả 2 tổ máy của Nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2018.
Thanh tra Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Trước đó, ngày 8/4/2020, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Theo đó, Đoàn thanh tra tập trung làm rõ việc chỉ định thầu đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; việc bổ sung Dự án vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách để thực hiện theo Quyết định số 2414/QĐ- TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; việc quyết định chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Việc điều chỉnh Dự án, tăng tổng mức đầu tư Dự án, điều chỉnh giá trị Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Với khu đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại khu đất này. Thời kỳ thanh tra từ khi chuẩn bị thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến ngày 30/3/2020; thời gian thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất vài tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời gian thanh tra là 15 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, lễ theo quy định). |
Theo Tuấn Ngọc
"https://thuonghieucongluan.com.vn/bqlda-nhiet-dien-thai-binh-trinh-phe-duyet-du-an-dau-tu-khong-co-trong-quy-hoach-a102315.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bqlda-nhiet-dien-thai-binh-trinh-phe-duyet-du-an-dau-tu-khong-co-trong-quy-hoach-a7230.html