Khuyến nghị giúp DNNVV trong lĩnh vực phân phối hóa giải thách thức từ EVFTA

Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức, khó khăn. Việc đưa ra nhưng khuyến nghị cho các DNNVV nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại là thực sự cần thiết.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết thêm EVFTA... đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.

Thông qua hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực, việc mở cửa thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp phân phối Việt Nam có cơ hội tiếp cận các tiêu chuẩn cao hơn về hàng hóa trong nước cũng như tổ chức cung ứng những nguồn hàng chất lượng cao hơn được nhập khẩu từ các nước thành viên của EU; Cơ hội tiếp cận các luồng vốn chất lượng cao đầu tư trực tiếp từ các nước vào hệ thống phân phối của Việt Nam, từ đó có thể nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước. Ngoài ra, các DN hoạt động trong lĩnh vực này có cơ hội học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp thu những phương thức kinh doanh hiện đại, thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chủ yếu hướng vào khai thác thị trường Việt Nam thông qua các phương thức bán lẻ hiện đại làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam thêm năng động và hội nhập vào xu hướng thị trường quốc tế..., mang lại xung lực mới cho sự phát triển ngành bán lẻ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhìn nhận, cá doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao.

Các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị nói chung và siêu thị nước ngoài nói riêng. Ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như: phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số… Tổng các loại chiết khấu từ 20- 30% giá bán.

Ảnh minh họa

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khác như sự lạc hậu, không đồng bộ về hạ tầng thương mại nói chung và bán lẻ nói riêng, các chi phí về logictis còn tốn thời gian và chi phí cao hơn các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhận thức, trình độ lực lượng lao động của các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối của Việt Nam còn hạn chế, sự thiếu hụt về đội ngũ các nhà quản lý, điều hành chuyên nghiệp tại các cơ sở kinh doanh truyền thống và hiện đại, ảnh hưởng tới độ hấp dẫn của thị trường phân phối Việt Nam, nếu tình trạng kéo dài thì không dễ khắc phục.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nguồn khác với giá cả phải chăng và chất lượng/mẫu mã tốt hơn. Nay thực hiện EVFTA, thị trường trong nước bắt buộc phải tiếp tục mở cửa thêm cho hàng nhập khẩu từ các nước EU, điều nay sẽ lại càng tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong nước.

Dự báo, tác động của EVFTA đối với nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường các nước thành viên EVFTA trong giai đoạn 2020 - 2030 ước tính sẽ đạt khoảng gần 3,0 tỷ USD. Nhóm hàng hóa Việt Nam tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải với mức tăng là hơn 200 triệu USD, chiếm 12% tổng giá trị gia tăng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường các nước thành viên trong EVFTA. Tuy nhiên, gia tăng nhập khẩu sẽ không tập trung vào thời điểm ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam có lộ trình xoá bỏ thuế dài, từ 7-10 năm.

Các DN cũng đối mặt với thách thức khi phải thực hiện các cam kết trong EVFTA về mở cửa thương mại, dịch vụ. So với các hiệp định FTA trước, Việt Nam có nhiều cam kết mở cửa hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước thành viên EVFTA, điều đó cũng đồng nghĩa việc cam kết mạnh hơn về các cơ chế giải quyết tranh chấp. Điều này càng gây ra áp lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần phân phối trong nước vốn có năng lực cạnh tranh tương đối hạn chế.

Ngoài ra, các DN này cũng đối diện với làn sóng thâu tóm, mua bán và sáp nhập (M&A). Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng có vốn nhỏ, trình độ quản lý chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh. Những điều kiện trên càng đẩy mạnh xu thể tìm kiếm những kênh huy động vốn hiệu quả nhằm mục tiêu ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh; và sáp nhập hợp nhất, mua lại doanh nghiệp chính là một hình thức huy động vốn đáp ứng được nhu cầu này. Xu hướng này lại càng có cơ sở khẳng định khi nhiều tập đoàn nước ngoài đã công khai kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam bằng M&A thay cho đầu tư trực tiếp (FDI), chọn M&A như một chiến lược thâm nhập thị trường nội địa nhanh nhằm tận dụng hệ thống phân phối, cơ sở vật chất, mạng lưới chi nhánh và nguồn nhân lực sẵn có của các doanh nghiệp trong nước, trong khi đónhiều tập đoàn trong nước lại đang có chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ, nhiều công ty lại công khai kế hoạch bán công ty con...

Không dừng lại ở đó, các DN còn đối mặt với thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kinh tế số. Việc chuyển đổi và số hóa các hệ thống thông tin liên quan hoạt động kinh doanh và quản trị các tập khách hàng trong thời đại công nghệ thông tin không ngừng phát triển là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp phân phối trong nước, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, hạ tầng thông tin và năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp vẫn còn ở mức hạn chế so với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài. Đây cũng là lực cản rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hóa giải thách thức và hưởng lợi từ EVFTA

Trước những thuận lợi và khó khăn - thách thức trên, Vụ Thị trường trong nước đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực phân phối.

Theo Vụ Thị trường trong nước, để hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA; Chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...;

Tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường;

Tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng; Nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến;

Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội;

Nhanh chóng triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên trong các FTA; Thực hiện đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh;

Cần xây dựng kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung và sáp nhập, hợp nhất, mua lại nói riêng. Doanh nghiệp nên nghiên cứu chuẩn bị đầy đủ thông tin theo yêu cầu của luật pháp, có sự tham vấn với cơ nên chức năng trước khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất hay mua lại đặc biệt là về thủ tục thông báo, xin hưởng miễn trừ, xác định thị phần của doanh nghiệp tham gia…;

Chuẩn bị sẵn sàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, lao động và công đoàn,…; Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các vấn đề phát sinh liên quan đến phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ và các phát sinh khác liên quan đến những cam kết mới, phi truyền thống;

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh bán lẻ 4.0; Tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Theo Nguyệt Minh

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/khuyen-nghi-giup-dnnvv-trong-linh-vuc-phan-phoi-hoa-giai-thach-thuc-tu-evfta/20200609061641599"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/khuyen-nghi-giup-dnnvv-trong-linh-vuc-phan-phoi-hoa-giai-thach-thuc-tu-evfta-a7201.html