Tháng 4 vừa qua - thời điểm Việt Nam triển khai giãn cách xã hội, tiêu dùng nội địa của Hà Nội sụt giảm tới 40%. Do đó ngay trong tháng 5, ngành Công Thương đã triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng ở tất cả các mặt hàng thiết yếu. Chỉ riêng nhà phân phối MM Mega Market Việt Nam đã cam kết, đảm bảo nâng mức tiêu thụ cho hơn 100.000 sản phẩm hàng hóa.
"Chúng tôi phối hợp với các nhà cung cấp để làm các chương trình khuyến mại, với mục tiêu là gia tăng lên từ 20% đến 30% mức tiêu thụ của người dân, đặc biệt vào các dịp lễ, các dịp cuối tuần. Với mức tiêu thụ tăng lên như vậy, chúng tôi đảm bảo được việc cam kết với các nhà cung cấp của mình" - ông Nguyễn Anh Phương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam - cho biết.
Không chỉ các đơn vị phân phối, các đơn vị bán lẻ cũng đẩy mạnh các kênh tiêu thụ ngay trong tháng 5 vừa qua.
5 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính gần 197 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: "Trong tháng 5, chúng ta cũng đã nhìn thấy có một số dấu hiệu phục hồi tuy nhiên nó chưa phải là rõ rệt. Với một số nhóm hàng như khẩu trang, thiết bị y tế có một sự gia tăng đáng kể, nhất là sau khi các mặt hàng này cũng được xuất khẩu tự do trở lại".
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Việt Nam là một trong ít quốc gia tăng trưởng dương với 2,7%. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9% và Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo là 4,8%. Với những tăng trưởng của nền kinh tế trong tháng 5, đây là động lực để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-tang-truong-tro-lai-sau-dich-covid-19/20200604083147014"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kinh-te-viet-nam-tang-truong-tro-lai-sau-dich-covid-19-a6999.html