Đề nghị giảm 30% thuế năm 2020 với DN nhỏ và siêu nhỏ để phát triển kinh tế

Chiều 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đề nghị giảm 30% thuế năm 2020 với DN nhỏ và siêu nhỏ để phát triển kinh tế

Chiều 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển, Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Chính phủ đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch covid-19

 

Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) của Quốc Hội nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên việc quy định đối tượng là tổ chức thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam là chưa rõ ràng, vì có rất nhiều tổ chức hoạt động theo pháp luật của Việt Nam nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.

Bên cạnh các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã còn các đối tượng là người nộp thuế khác như các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức theo quy định của pháp luật về hội,... cũng phát sinh doanh thu và nộp thuế.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, quy định cụ thể các đối tượng được giảm thuế phải là người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và chỉ áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu, kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng này, theo đó về cơ bản đã bao quát hết các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ song đề nghị chỉnh sửa tên gọi của dự thảo nghị quyết để phù hợp với phạm vi điều chỉnh là chỉ những doanh nghiệp đáp ứng hai tiêu chí về doanh thu và lao động như trên; đồng thời nhất trí trình Quốc hội xem xét quyết định tại đợt họp tập trung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/de-nghi-giam-30-thue-nam-2020-voi-dn-nho-va-sieu-nho-de-phat-trien-kinh-te-a101053.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/de-nghi-giam-30-thue-nam-2020-voi-dn-nho-va-sieu-nho-de-phat-trien-kinh-te-a6864.html