Nhiều doanh nghiệp kiến nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ
Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các "liều thuốc" kịp thời để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch COVID-19.
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau hơn 2 tháng triển khai, gần 770 nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại giải ngân cho vay mới. Mức lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch. Con số này cao hơn gấp đôi so với cam kết khoảng 300 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà các ngân hàng đưa ra trước đó. Hàng trăm nghìn khách hàng cũng đã được cơ cấu, giãn thời hạn trả nợ.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi phục, quay trở lại hoạt động bình thường. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục kéo dài thời hạn trả nợ ngân hàng.
Doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ từ chính sách thuế
Theo VCCI, mặc dù dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt nhưng 60 - 70% doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn lớn nhất về thị trường. Hàng không xuất khẩu được do dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát.
"Đây mới là thời gian nhiều DN ngấm những khó khăn do đại dịch, chưa phải là lúc chúng ta nơi lỏng các giải pháp để hỗ trợ, trợ thở cho các DN" - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Chính phủ đã gia hạn thời gian nộp một số loại thuế cho DN trong vòng 5 tháng. Nhưng theo các chuyên gia, thực tế, có nhiều doanh nghiệp suốt các tháng đầu năm chưa phát sinh thu nhập, chưa kịp phục hồi đã lo tiền đóng thuế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, kéo dài thời hạn giãn thuế sẽ làm hụt thu ngân sách năm nay. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ kịp thời, khả năng phát triển lâu dài của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: "Thu giảm mà chi không giảm, thậm chí còn gia tăng thêm. Những chỉ tiêu về bội chi, về trần nợ công phải điều chỉnh ngay để đảm bảo trong bối cảnh này ta có thể điều hành một cách linh hoạt và duy trì năng lực tăng trưởng cho nền kinh tế vượt qua dịch".
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, chính sách cần được quyết định sớm bởi nếu càng chậm trễ, sẽ đứng trước nguy cơ càng nhiều DN không trụ được, phải giải thể, phá sản. Riêng trong quý 1, đã có hơn 34 nghìn DN phải rút lui khỏi thị trường.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hau-covid-19-cac-don-thuoc-cho-doanh-nghiep-da-du-lieu-luong/20200529082100798"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/hau-covid-19-cac-don-thuoc-cho-doanh-nghiep-da-du-lieu-luong-a6673.html