Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần đúng đối tượng, tránh tràn lan

Theo Dự thảo Nghị quyết về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp nông dân cả nước không phải đóng khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 25/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội xem xét, biểu quyết quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về phạm vi hoạt động của hòa giải viên đã được mở rộng nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được hòa giải viên mà họ tín nhiệm, bảo đảm sự tự nguyện lựa chọn hòa giải viên của người tham gia hòa giải, đối thoại.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn, đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thời gian còn lại trong phiên làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này. Cuối phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.

Theo Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội đề xuất, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong vòng 5 năm từ năm 2021 – 2025 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng như: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật...

Với đề xuất này thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Trao đổi bên hàng lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình và đánh giá cao tính nhân văn của chính sách này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Quảng Trị đồng tình với đề xuất này bởi đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp người nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn.

“Tôi rất đồng tình ủng hộ việc miễn giảm. Đối tượng được thụ hưởng chính sách này rất lớn, đặc biệt là đối với nông dân và nông thôn 1 đồng miễn thuế cũng rất quý để người ta mở rộng sản xuất, tích tụ được nguồn vốn để phát triển. Tuy nhiên, cũng phải có đối tượng điều chỉnh, chúng ta chỉ miễn giảm cho đối tượng chịu tác động, thực sự đưa vào sản xuất kinh doanh thì miễn giảm. Như vậy vừa đúng đối tượng mà cũng vừa đúng được các mục tiêu sử dụng nguồn lực đất đai của quốc gia”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến.

Về tình trạng bỏ hoang hoá đất, sử dụng không hiệu quả, theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Hải Phòng là do nhiều nguyên nhân như: khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, để chính sách này tác động tích cực hơn nữa trong việc khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, không dẫn đến lãng phí đất đai.

“Công tác quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp phải là chính quy và mạch lạc đó là nền tảng việc giảm thuế nông nghiệp. Tôi nghĩ cũng phải có biện pháp xác định được quyền của người sử dụng đất, đối tượng được miễn thuế là đúng pháp luật, đúng chính sách của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Khải nêu quan điểm.

Theo Hoan Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/mien-giam-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-can-dung-doi-tuong-tranh-tran-lan-a100082.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/mien-giam-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-can-dung-doi-tuong-tranh-tran-lan-a6393.html