Xuất khẩu sang Singapore thời Covid-19: Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì?

Với việc thị trường Singapore có độ mở lớn và kim ngạch thương mại giá trị cao, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để thâm nhập vào thị trường này, và thông qua Singapore để đi ra thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ Công Thương, với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu hướng vào dịch vụ (chiếm tỷ trọng 75% nền kinh tế), Singapore không có nền nông nghiệp. Trong khi đó, công nghiệp chủ yếu hướng vào ngành điện tử, cơ khí chính xác và các mắt xích trong chuỗi sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao như giải pháp công nghệ, thiết kế sáng tạo. Vì vậy, tiêu dùng ở Singapore chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, từ quần áo, đồ dùng gia đình cho đến thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy sản…

Dù là nước nhỏ với dân số chưa đến 6 triệu người, Singapore là nước có đối tác nhập khẩu đa dạng bậc nhất thế giới với 220 đối tác, và riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, Singapore có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác này là để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung trước bất cứ sự đứt gãy nào.

Trước bối cảnh dịch Covid-19, Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Hiện nay, Singapore đang khống chế tỷ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được xem xét giảm đối với cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, để tránh các đứt gãy cung cầu trong tương lai ở các thị trường truyền thống của Singapore như Malaysia, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Với đặc điểm thị trường như vậy, Bộ Công Thương nhận định, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Singapore và thông qua thị trường có đòi hỏi cao này để đi ra thế giới. Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đối với thực phẩm chế biến, đồ uống… các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến bao bì, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, và các chứng chỉ như HACCP, Halal…

Đối với thị trường Singapore, các doanh nghiệp cũng nên lưu ý đến vấn đề thời hạn sản phẩm. Để đưa vào hệ thống bán lẻ, thời hạn của các sản phẩm chế biến phải đủ dài, tốt nhất trên 12 tháng để đảm bảo đủ vòng quay kinh doanh. Các sản phẩm có thời hạn ngắn, chưa kịp tiếp cận khách hàng, thương mại hóa đã phải giảm giá thanh lý (mọi sản phẩm còn hạn dưới 6 tháng) sẽ khiến các nhà nhập khẩu ngần ngại.

Một khó khăn khác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khả năng cạnh tranh là vấn đề giá và khả năng đảm bảo nguồn cung. Các nhà nhập khẩu Singapore có mạng lưới đối tác phong phú từ 220 đối tác trên thế giới, vì vậy, họ luôn lưu ý để tìm kiếm những sản phẩm tốt nhất có giá thành hạ nhất cho người tiêu dùng Singapore. Đây được coi là một nhiệm vụ cao cả của các thương nhân: tham gia đảm bảo duy trì chi tiêu cho ăn--mặc- ở-đi lại ổn định ở mức thấp, nâng cao khả năng tiết kiệm, đầu tư và chất lượng tái sản xuất sức lao động xã hội (chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, giải trí, sáng tạo…).

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần giữ chữ tín trong kinh doanh, đảm bảo nguồn cung với mức giá ổn định cho các nhà nhập khẩu Singapore; tránh tình trạng “lợi dụng” dịch bệnh để đẩy giá bán lên cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý đến việc kết nối theo chuỗi với các nhà cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi, nhà vận tải gom hàng…, có sẵn thông tin và mạng lưới để xuất hàng nhanh chóng. Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt phải quan tâm đến việc xây dựng trang web và năng lực trao đổi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số.

Theo Minh Thu

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/xuat-khau-sang-singapore-thoi-covid-19-doanh-nghiep-viet-nam-can-luu-y-gi/20200521094357898"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/xuat-khau-sang-singapore-thoi-covid-19-doanh-nghiep-viet-nam-can-luu-y-gi-a6278.html