Quảng Nam: Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh

Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

Thống kê 4 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái; tập trung ở các nhóm ngành chủ lực như: công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, may mặc… Nguyên nhân do các doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ. Hiện có hơn 61% doanh nghiệp bị ảnh hưởng doanh thu từ 10% trở lên. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

May mặc là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch bệnh Covid-19 do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và bị phía đối tác hủy đơn hàng. Hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam phải thực hiện phương án giãn giờ làm, giãn ca, giảm số ngày làm trong tuần… Một số doanh nghiệp chuyển từ việc may quần áo xuất khẩu sang may khẩu trang y tế để duy trì sản xuất và “giữ chân” người lao động.

Công ty Con Đường Xanh đóng cửa từ cuối tháng 4

 

Bà Lương Thị Mận, Phó Giám đốc Công ty Con Đường Xanh, tại Khu Công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn cho biết, doanh nghiệp hiện còn tồn hơn 50.000 quần may sẵn chưa xuất khẩu được. Mấy tháng qua, thị trường Mỹ “đóng băng” nên người lao động không có việc làm. Từ giãn việc, ngưng việc đến cuối tháng 3 không còn công nhân nào của công ty đi làm. Bà Lương Thị Mận lo lắng, bên cạnh áp lực về tiền bạc, doanh nghiệp còn phải lo đời sống của hơn 500 công nhân. Nếu không duy trì lương và các khoản bảo hiểm cho người lao động thì họ sẽ đi tìm việc nơi khác.

"Tháng 4 là đỉnh điểm của dịch phía bên Mỹ nên khách hàng không chuyển tiền nên công ty bị trễ lương. Chúng tôi xoay trở chuyển cho công nhân được khoảng 30%, đến đầu tháng 5 mới chuyển trả được. Hiện tại không có tiền để trả lương, không có tiền để đóng bảo hiểm, không có tiền để duy trì bảo hiểm để khám chữa bệnh, nguồn vốn bây giờ cũng đang tồn ở đó… rất khó khăn", bà Lương Thị Mận nói.

Doanh nghiệp chuyển từ may quần áo sang may khẩu trang y tế

 

Hiện, có 10 doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp của tỉnh Quảng Nam là Điện Nam-Điện Ngọc, Tam Thăng, Đông Quế Sơn, Bắc Chu Lai và Tam Hiệp cho công nhân nghỉ việc, giảm số ngày làm, nghỉ luân phiên. Riêng tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai-Trường Hải, hiện có 800 công nhân của Công ty ô tô Bus tạm nghỉ để điều chuyển sang làm công việc khác tại các công ty thành viên. Một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các chuyên gia, lao động nước ngoài, nhà đầu tư không thể nhập cảnh vào Việt Nam để hướng dẫn lắp ráp, điều hành hệ thống máy móc, chuyển giao công nghệ, thực hiện các thủ tục để triển khai dự án sau khi cấp phép.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Trần Quang Hổ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, do số lượng khách hàng bị thiệt hại quá đông nên việc kiểm tra, thẩm định về thiệt hại của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Một số chuyền may bỏ không

 

"Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về hỗ trợ cho các đối tượng thiệt hại, trong đó có doanh nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà giảm thu nhập và người lao động tạm nghỉ được hưởng trợ cấp giá trị bằng 1/2 lương tối thiểu vùng và được vay tại ngân hàng Chính sách xã hội với mức 1,8 triệu đồng/người, thời hạn 3 tháng, với lãi suất 0% đối với các doanh nghiệp đã chi trả 1/2 tiền lương tối thiểu", ông Trần Quang Hổ cho hay.

Tỉnh Quảng Nam cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và đưa ra các giải pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng nhằm tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thực tế khó khăn của từng nhóm ngành để tham mưu, đề xuất phương án hỗ trợ trong thẩm quyền của địa phương.

"Sắp tới, Quảng Nam sẽ tổ chức làm việc với từng nhóm ngành doanh nghiệp. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp sẽ chia ra từng loại hình doanh nghiệp khác nhau để lắng nghe những doanh nghiệp chủ lực, những doanh nghiệp quan trọng họ đề xuất nên hỗ trợ gì trong giai đoạn hiện nay. Tương tự như thế, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực kinh doanh du lịch dịch vụ, nhà ở thì lắng nghe để giải quyết cho từng khối như vậy và có hướng giải quyết cụ thể cho từng khối như thế", ông Lê Trí Thanh cho biết thêm.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/quang-nam-tim-huong-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-anh-huong-dich-benh/20200519081441511"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quang-nam-tim-huong-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-anh-huong-dich-benh-a6129.html