Nhìn vào những tháng còn lại trong kế hoạch năm 2020 cho giai đoạn hậu Covid-19, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng nếu như nhiều doanh nghiệp (DN) hòa vốn hoặc lời một chút thìđã là thành công.
Định vị bài toán chiến lược
Chia sẻ mới đây với một số lãnh đạo DN ở Tp.HCM xoay quanh đề tài làm sao để phục hồi tốt, bật dậy nhanh DN hậu đại dịch, liên hệ trực tiếp đến công ty của mình, ông Viên cho biết đã định vị một bài toán chiến lược về tài chính hàng tháng, xem mức độ thiệt hại đến cuối năm nay ra sao.
Còn theo bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng giám đốc Công ty TNHH GS25 Việt Nam, từ cách đây khoảng một tháng, các lĩnh vực hoạt động của DN đã ở trong giai đoạn “kéo”, các nguồn lực được tập trung để chuẩn bị cho việc tung sản phẩm mới ra thị trường vào tháng 7 tới.
Dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, nhấn mạnh giai đoạn hậu Covid-19 là lúc các DN cần có sức bật tốt hơn. Đặc biệt là cần nắm bắt các xu hướng mới, rà soát lại các nguồn lực trong DN để biết mình đang ở đâu nhằm hoạt động tối ưu hơn.
Ở góc nhìn về quản trị, giới chuyên gia từ hãng Deloitte lưu ý thời điểm hiện tại là giai đoạn để DN loại bỏ những gián đoạn kinh doanh, lên kế hoạch cho việc tiếp tục và duy trì hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Nhất là DN cần tiếp tục những kế hoạch đang tồn đọng thông qua việc đánh giá hiện trạng, những kế hoạch có thể kích hoạt hoạt động kinh doanh và cách thức đánh giá hiệu quả hoạt động trước và trong quá trình tái khởi động này.
Với nhiều DN, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay được cho là đầy thử thách hơn bao giờ hết. Ngoài khó khăn chung, có những vấn đề vốn chỉ ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia thì ngay cả các DN nhỏ hay những DN nhà nước nay cũng phải đối mặt.
Chính vì thế, việc kéo các nguồn lực để bật dậy nhanh DN hậu đại dịch là điều rất cần thiết. Đầu tư công cũng có thể được xem là giải pháp tốt hiện nay để tạo ra hiệu ứng lan tỏa nền kinh tế.
Bày tỏ sự ủng hộ với đầu tư công trong thời điểm này, theo Ts. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam), việc "bơm tiền" vào nền kinh tế giúp khôi phục niềm tin vào hệ thống nói chung và người thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu ngay lập tức, do đó làm tăng vận tốc lưu chuyển dòng tiền.
“Chúng ta đã thấy cách tiếp cận này thành công trong các giai đoạn suy thoái kinh tế trước đây, và hơn nữa, chúng ta đã thấy rằng cách tiếp cận ngược lại - thắt lưng buộc bụng hoặc giảm chi tiêu công, chưa bao giờ có hiệu quả”, ông John nói.
Theo chuyên gia này, đầu tư công có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất, vì xây dựng là quy trình thường cần rất nhiều lao động và hiện có nhiều dự án như vậy ở Việt Nam, nên sẽ rất hữu ích để bắt đầu.
Tầm nhìn hậu đại dịch
Bên cạnh đó, các sáng kiến chính phủ điện tử sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết cho nền kinh tế trước khủng hoảng Covid-19. Nhóm nghiên cứu RMIT khẳng định trong bối cảnh này, việc xây dựng thành công chính phủ điện tử cần được xem là ưu tiên hàng đầu.
Bởi lẽ, thực hiện tốt chính phủ điện tử trước thì cải thiện ở những lĩnh vực khác mới đến nhanh chóng, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội và tăng năng lực tranh tranh của nền kinh tế.
Việc triển khai tốt chính phủ điện tử (ở cấp quốc gia) và chính quyền điện tử (các cấp địa phương) tại Việt Nam không chỉ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao niềm tin của người dân vào Chính phủ, mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước và chi phí cơ hội cho xã hội.
Chỉ riêng Cổng dịch vụ công quốc gia ước tính sẽ giúp tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng/năm - một con số đáng kể trong lúc khó khăn này.
Về phía các DN Việt, để bật dậy nhanh hậu đại dịch, theo giới chuyên gia, cần phải xây dựng một chương trình tuân thủ phù hợp với đặc thù hoạt động và nguồn lực sẵn có hiện tại.
Đó phải là một chương trình có thể dễ dàng vận hành và là một phần của quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh với sự tham gia của tất cả mọi thành viên trong DN, bao gồm ban lãnh đạo, bộ phận/cá nhân phụ trách tuân thủ, các phòng ban chức năng (nhân sự, công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng…).
Theo Ts. Burkhard Schrage của RMIT, bây giờ là lúc để DN chuẩn bị hành trang cho tương lai. Và có thể đại dịch này là "điều may trong cái rủi" giúp DN cạnh tranh một cách bền vững hơn tại Việt Nam cũng như trên trường quốc tế.
Vẫn chưa biết "tình trạng bình thường mới" sẽ ra sao, nhưng chắc chắn sẽ thiên về công nghệ kỹ thuật số, tính linh hoạt và khả năng phục hồi cao, cùng một lực lượng lao động linh hoạt hơn.
“Trong những thời điểm thách thức, các DN có khả năng lãnh đạo kỷ luật và đồng cảm cao với nhân viên, cũng như có kỹ năng thực thi nhanh chóng sẽ vươn lên dẫn đầu một khi vầng dương lại hé rạng”, ông Burkhard nói.
DN Việt sẽ cần vạch ra tầm nhìn hậu đại dịch cùng các chiến lược để đạt được tầm nhìn đó. DN sẽ bật dậy nhanh nếu biết thực thi tốt các chiến lược này dựa trên những "luật chơi" mới.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/keo-nguon-luc-bat-day-nhanh-doanh-nghiep/20200514023752767"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/keo-nguon-luc-bat-day-nhanh-doanh-nghiep-a5796.html