Theo đó, Ấn Độ, Australia, ASEAN, châu Phi... đang là nhữngthị trường sáng giá cho nông sản Việt Nam chinh phục.
Thị trường lớn rất giàu tiềm năng
Ấn Độ là thị trường lớn với gần 1,4 tỷ dân, chiếm được một góc thị phần nhỏ của thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể yên tâm về đầu ra. Bộ Công Thương cho biết Ấn Độ có tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm thế mạnh của Việt Nam như trái cây tươi và chế biến, chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc… Tuy nhiên, lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam còn vô cùng khiêm tốn so với sức mua rất lớn của Ấn Độ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian qua, người dân và doanh nghiệp Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến cá basa, thanh long Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khác như trái vải miền Bắc, trái chôm chôm từ các miệt vườn lớn phía Nam Việt Nam dù thuộc danh mục các loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt đã được nhiều người Ấn Độ biết đến và yêu thích vẫn chưa được mở đường vào thị trường này.
Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, nhiều sản phẩm của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Ấn Độ như cà phê, chè, hạt điều, ca cao, gia vị, gạo, đường, nước dừa, bánh quy, thanh long, sản phẩm chế biến từ quả me…
Bên cạnh Ấn Độ, theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Australia và một số nước để tìm hiểu thêm các thị trường, đưa thêm thông tin các sản phẩm của Việt Nam. Ngoài các sản phẩm quả vải thiều tươi, còn đưa thêm những thông tin về các sản phẩm đã chế biến sâu. Đây là định hướng để có thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Toản lưu ý, để thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như đảm bảo xuất khẩu bền vững lâu dài, về phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường, cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới.
"Việc cung cấp thông tin này, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật trên trang cổng thông tin của Bộ. Các cơ quan truyền thông cũng đã thường xuyên truyền tải các thông tin này đến các cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, người nông dân để từ đó người nông dân có những định hướng về sản xuất", ông Toản nói. Điều đó có nghĩa muốn thâm nhập được thị trường mới, ngành nông sản trước hết cần phải thay đổi "chính mình".
Thay đổi cách sản xuất
Quay trở lại thị trường Ấn Độ, ông Atul Kumar Saxena khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của mình tới thị trường Ấn Độ nhiều hơn nữa trong thời gian tới để mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ biết đến và tiêu thụ.
Ông Atul Kumar Saxena cho biết: “Việt Nam rất nổi tiếng vì xuất khẩu nhiều loại gia vị, hương liệu thực phẩm như tiêu đen, hồi, thảo quả… Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chế biến sâu hơn và đóng gói thành sản phẩm gia vị masala đơn vị hoặc đa vị có thương hiệu rõ ràng. Mặt hàng này có nhu cầu rất lớn tại Ấn Độ. Các loại gia vị, hương liệu masala của Pakistan từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ nhưng đang gặp khó khăn vì lệnh cấm giao thương Ấn Độ - Pakistan. Vì thế, thị trường gia vị, hương liệu thực phẩm tại Ấn Độ vẫn đang bỏ ngỏ. Các công ty Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiến vào thị trường Ấn Độ”, ông Atul Kumar Saxena chia sẻ.
Đối với mặt hàng gạo, ông Atul Kumar Saxena gợi ý, Việt Nam có năng lực xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường đầu tư xuất khẩu đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ gạo như bánh đa nem, hơn là chỉ tập trung xuất khẩu gạo nguyên liệu thô.
Với mặt hàng cà phê, ông Atul Kumar Saxena cho rằng, Việt Nam có công nghệ sản xuất cà phê 3 trong 1 chất lượng tốt nhưng nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược phù hợp để tiếp cận và phát triển tại thị trường Ấn Độ. Do đó, doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần tính toán chiến lược và kế hoạch phù hợp để thành công tại thị trường Ấn Độ.
Theo ông Trần Quốc Toản, Bộ Công Thương khuyến nghị các các doanh nghiệp tập trung sản xuất theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Người nông dân nên sản xuất theo đúng quy định, yêu cầu mà các doanh nghiệp, nhà phân phối đặt ra. Bởi lẽ, muốn định hướng phát triển lâu dài thì đầu tiên các sản phẩm phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đồng đều, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu cũng như các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân phối xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tổ chức kết nối sản xuất với các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như: Aeon Mart, Lotte Mart... để đưa sản phẩm nông sản Việt vào hệ thống siêu thị của họ tại thị trường nước ngoài. Qua đó, nông sản Việt sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường thế giới.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nong-san-san-tim-thi-truong-moi/20200512075959567"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nong-san-san-tim-thi-truong-moi-a5601.html