Ở đại hội cổ đông thường niên năm 2020 được tổ chức mới đây, trước mối băn khoăn từ cổ đông về tác động của dịch Covid-19, lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã khẳng định những nỗ lực của bản thân doanh nghiệp (DN) đã giúp vượt qua tác động của đại dịch và giá dầu suy giảm.
Lạc quan hay bi quan?
Vị lãnh đạo này chia sẻ, quý I/2020, PV Gas vẫn đạt được kết quả sản xuất kinh doanh khả quan, sát với kế hoạch đề ra, đạt tổng doanh thu trên 17,5 ngàn tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch quý. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 2,6 ngàn tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch quý.
Đến nay, PV Gas đã xây dựng các kịch bản ứng phó và có sự chuẩn bị tốt, đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn trong tình hình dịch Covid-19 và tự tin sớm bắt nhịp, phục hồi sản xuất sau đại dịch, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Có thể nói, việc duy trì được doanh thu, lợi nhuận và lạc quan như PV Gas được ví như “trong mơ” bởi đến thời điểm này nhiều DN vẫn loay hoay tìm kịch bản cho mình thời hậu Covid - 19. Thậm chí, nhiều DNbi quan vì dịch Covid-19, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020.
Mặc dù vậy, nhiều nhận định cho rằng nếu dịch bệnh trên toàn cầu được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu (XK) của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là với tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới?
Trước câu hỏi này, TS. John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế (Đại học RMIT Việt Nam), cho rằng rất khó để nhận định chắc chắn điều này vì nhiều yếu tố về đại dịch còn chưa rõ ràng. Hiện chúng ta không thể biết câu trả lời chính xác cho bất kỳ câu hỏi nào nêu trên.
Tuy nhiên, theo ông John, chúng ta có thể dự đoán về kinh tế Việt Nam ở giai đoạn nào đó trong tương lai khi dịch bệnh đã giảm và ổn định. Mọi thứ phần nào sẽ trở lại bình thường dù nhu cầu sẽ tiếp tục thấp khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở Việt Nam và những nơi khác đều giảm. Từ góc độ này, những nền tảng cơ bản của thị trường sẽ không thay đổi và hoạt động thương mại sẽ được nối lại.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia của RMIT lưu ý vẫn tồn tại một hướng nhìn bi quan hơn về tương lai. Dưới góc độ này, mâu thuẫn giữa các Chính phủ đang "leo thang" do cách hiểu đối lập về trách nhiệm của nhau, hay mức độ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau của các bên.
Lo doanh nghiệp nội chưa đủ mạnh
Ở thời điểm này, có lẽ mối quan hệ Trung – Mỹ đang là tâm điểm chú ý. Nếu căng thẳng tăng cao, sẽ có thể có nhiều quốc gia muốn tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và theo đuổi chiến lược phi toàn cầu hóa. Nếu điều đó xảy ra, một kịch bản được đặt ra là kinh tế Việt Nam có thể gặp khó khăn trong dài hạn vì doanh nghiệp nội chưa đủ mạnh.
TS.John nhận định rằng, Chính phủ các nước đang đưa ra các gói kích cầu phản ánh nền kinh tế của mỗi quốc gia nhưng đều chia sẻ một số điểm chung. Một số chính phủ cam kết phân chia nguồn lực hợp lý hơn các nước khác. Một số phải đối mặt với nhiều phản kháng hơn từ các nhóm lợi ích bảo thủ, những người muốn đảm bảo giữ quyền kiểm soát phần lớn các nguồn lực của chính phủ.
“Nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế. Quan trọng không kém, Chính phủ đã rất quyết đoán và hành động sớm giúp Việt Nam tránh được những sai lầm của một số quốc gia khác”, TS.John nói.
Và thay vì chăm chăm đi tìm kịch bản phục hồi thị trường hậu Covid-19 hay mơ về những DN lớn vững vàng vượt qua đại dịch như PV Gas, giới chuyên gia mong rằng khâu chính sách cần lưu tâm đến đại bộ phận DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang bị ảnh hưởng khá nặng. Ngoài ra, lực lượng lao động đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình DN nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ các DN nội địa này.
Về thị trường lao động, TS.John Walsh nhận định,Chính phủ đã đưa ra chính sách kết hợp cả chủ động và thụ động. Chính sách thụ động bao gồm trợ cấp thất nghiệp để người dân có thể tiếp tục cuộc sống trong một thời gian mà không cần làm việc. Các chính sách chủ động hơn gồm cung cấp các chương trình đào tạo và nâng cấp kỹ năng để giúp người dân tìm việc làm mới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của RMIT, dù Chính phủ có biện pháp hay chính sách gì, cần lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở nên sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở các quốc gia khác nữa. Nếu các chính phủ khác không hành động thích hợp thì nỗ lực của một chính phủ riêng lẻ sẽ không thể đạt được thành công như mong đợi.
Và về lâu dài, cần có sự phối hợp và hợp tác lớn hơn nữa trong khối ASEAN để đưa ra các chính sách toàn khu vực trong những cuộc khủng hoảng như hiện nay.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-van-loay-hoay-tim-kich-ban-phuc-hoi-thi-truong-hau-covid-19/20200507035638573"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doanh-nghiep-van-loay-hoay-tim-kich-ban-phuc-hoi-thi-truong-hau-covid-19-a5374.html