Hết ngày 7/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 54.200 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.800 người tử vong. Trong 24 giờ qua, chỉ có 2 nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp, song cũng có 8 nước ở khu vực này thông báo các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Indonesia là quốc gia ASEAN ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua ở mức cao đáng lo ngại, với 35 ca. Đây là một trong những ngày có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất ở nước này.
Tới hết ngày 7/5, Indonesia cũng là nước có tổng số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất ở Đông Nam Á, với 930 trường hợp.
Indonesia cũng thông báo 338 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 7/5, qua đó nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên thành 12.776 người (đứng thứ hai khu vực).
Một nhóm kỹ sư Indonesia thông báo đã chế tạo trong 2 tháng một máy thở nhỏ gọn để bán với giá thấp hơn nhiều giá thông thường, với hy vọng đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngày 7/5, Philippines thông báo 339 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 10.343 người.
Theo Bộ Y tế Philippines, nước này cũng ghi nhận 27 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người tử vong lên 685. Ngoài ra, đã có thêm 112 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 1.618 người.
Giới chức hữu quan Philippines cho biết kể từ ngày 3/5, quốc gia này đã ngừng tất cả các chuyến bay chở khách đến nước này trong vòng 1 tuần lễ để có thời gian xử lý vấn đề các trung tâm cách ly hiện nay đã chật cứng khi hàng nghìn lao động Philippines hồi hương trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan khắp thế giới.
Thái Lan ngày 7/5 xác nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào vì căn bệnh này. Trong 3 trường hợp mới ghi nhận có 1 phụ nữ nội trợ tại tỉnh Yala ở vùng cực Nam và 2 lao động trở về từ Kazakhstan. Như vậy, Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.992 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 55 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Singapore ngày 7/5 cho biết nước này đã ghi nhận 741 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 20.939 người. Tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong hiện nay tại Singapore là 20 người. Tuyên bố của bộ trên cho hay, đa số các ca nhiễm mới là các lao động di cư sống tại các khu tập thể.
Giới chuyên gia Singapore dự báo số ca mắc COVID-19 ở nước này có thể lên tới 40.000 ca vào cuối tháng 5, mặc dù các biện pháp kiểm soát hiện nay sẽ giúp tình hình lây nhiễm không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Bộ Y tế Lào cho biết tính đến chiều 7/5, nước này vẫn chỉ có 19 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ngày nước này không có bệnh nhân mới lên 26 ngày liên tiếp. Hiện 10 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
18h ngày 7-5, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam thông báo trong ngày đã ghi nhận 17 ca mắc mới COVID-19. Đây đều là những ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 288 ca.
Đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ có thể sẽ lên đỉnh và bắt đầu đi xuống từ tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Đây là dự báo được các nhà khoa học tại Viện Khoa học Y khoa Toàn Ấn (AIIMS) đưa ra ngày 7/5.
Theo giám đốc Viện Khoa học Y khoa Toàn Ấn Randeep Guleria, dự báo này dựa trên việc phân tích các mô hình dữ liệu và đồ thị gia tăng của dịch Covid-19. Chuyên gia này cũng dự báo các dự báo này có thể còn thay đổi tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp phong tỏa kéo dài.
Đến ngày 7/5, Ấn Độ đã ghi nhận 52.952 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 1.783 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh này. Các biện pháp phong tỏa toàn quốc bắt đầu được áp dụng từ ngày 24/3 và đã 2 lần được gia hạn. Maharashtra là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ với 16.758 người dương tính với SARS-CoV-2, tiếp đó là bang Gujarat và thủ đô New Delhi./.
Nhật Bản trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới cho phép sử dụng thuốc remdesivir của công ty dược Gilead Sciences trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Một quan chức Nhật cho biết loại thuốc này được chấp thuận "theo các điều kiện đặc biệt".
Vị này cũng cho hay đây là loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được cho phép ở Nhật. Dự kiến một loại thuốc khác là Avigan do hãng dược Nhật phát triển cũng sẽ được cấp phép tại nước này trong tháng này.
Mỹ là quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc remdesivir trong điều trị COVID-19 sau một cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về cả hai chỉ số tổng ca nhiễm và ca tử vong, với 1.266.442 ca nhiễm và 74.948 ca tử vong.
Dịch bệnh tại Mỹ hiện vẫn bị cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế. Phát biểu trước Ủy ban Y tế Hạ viện Mỹ ngày 6/5, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cho rằng Mỹ sẽ phải "sống chung" với virus SARS-CoV-2 trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa, cho đến khi điều chế được một loại vaccine hiệu quả.
Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Pháp tới thời điểm này là 174.791 người, tăng 600 ca so với một ngày trước. Bộ trưởng Véran nhấn mạnh, những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ bắt buộc phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và hàng ngày phải đo thân nhiệt ít nhất 2 lần. Một xét nghiệm sẽ được thực hiện 7 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng với người bệnh. Kể cả khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, những trường hợp này vẫn phải tiếp tục tự cách ly thêm 7 ngày nữa.
Tại Anh, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.614 ca dương tính và 539 trường hợp tử vong vì COVID-19, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tới lúc này lên lần lượt 206.715 và 30.615 ca. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Raab cũng cho hay, hiện chưa có bất cứ thay đổi nào đối với lệnh phong tỏa của nước Anh trước khi chính phủ nước này xem xét về các biện pháp sẽ được công bố vào ngày 10/5. Theo ông Raab, bất cứ thay đổi nào được công bố sẽ đều là những thay đổi nhỏ.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong một ngày qua, nước này đã ghi nhận 1.401 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 215.858 người. Số ca tử vong vì COVID-19 ở Italy đã tăng thêm 274 trường hợp, lên 29.958 người.
Bên cạnh đó, quốc gia Nam Âu này còn ghi nhận thêm 3.031 bệnh nhân COVID-19 hồi phục sức khỏe, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 96.276 người. Số bệnh nhân thuộc diện điều trị đặc biệt ở Italy tiếp tục giảm 22 ca xuống còn 1.311 người.
Theo trang thông kế worldometers.info, tính đến sáng 8/5 (giờ Việt Nam), Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 256.855 bệnh nhân COVID-19, trong đó 26.070 ca tử vong, tăng 213 ca so với một ngày trước đó. Hiện Tây Ban Nha đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số ca mắc COVID-19 và đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong, sau Mỹ, Anh, Italy.
Tại Nga, ngày 7/5, nước này đã ghi nhận 11.231 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục tính theo ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở nước này lên 177.160 người.
Tới sáng 8/5, Đức ghi nhận tổng cộng 169.430 ca bệnh (tăng 1.268 ca) và 7.392 ca tử vong, tăng 117 ca so với một ngày trước đó.
Trung Quốc ngày 7-5 cho biết nước này ủng hộ các nỗ lực điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và phản đối các nỗ lực của Mỹ và một số quốc gia khác đang muốn chính trị hóa vấn đề này chống lại Bắc Kinh.
Khi được hỏi về những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng dịch COVID-19 còn tệ hơn Trân Châu cảng và vụ khủng bố ngày 11-9, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng kẻ thù mà Mỹ đang đối mặt là virus corona và không phải là Trung Quốc, theo Reuters.
Mặt khác, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ đảm bảo cho các công ty nước ngoài quyền bình đẳng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các biện pháp giảm thuế.
Theo Trang Nguyễn
"https://thuonghieucongluan.com.vn/toan-canh-dich-benh-covid-19-the-gioi-ngay-8-5-gan-4-trieu-nguoi-bi-nhiem-a97842.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/toan-canh-dich-benh-covid-19-the-gioi-ngay-8-5-gan-4-trieu-nguoi-bi-nhiem-a5366.html