Theo thống kê, tính đến tháng 4/2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 415 triệu khẩu trang, trị giá khoảng 63 triệu USD vào các thị trường đang là tâm điểm của dịch bệnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong và Singapore.
Cảnh báo thiếu tiêu chuẩn
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu xuất khẩu khẩu trang sẽ tiếp tục tăng cao, tuy nhiên nếu không đảm bảo chất lượng, khẩu trang Việt Nam sẽ khó vào các thị trường khó tính.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết,châu Âu và Mỹ đã bắt đầu siết lại các quy định về chất lượng khẩu trang, với châu Âu thì cần đạt tiêu chuẩn CE, Mỹ sẽ phải đạt tiêu chuẩn FDA. Cùng với đó, Việt Nam sẽ dần bị các nước có thế mạnh về dệt may trong khu vực cạnh tranh như Trung Quốc, Indonesia.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang sản xuất khẩu trang có chất lượng không đồng đều.
Phó Chủ tịch Vitas lo ngại tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" - nghĩa là một doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng có thể khiến các đối tác "chăm sóc đặc biệt" với cả ngành.
Cùng với đó, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho biết vừa nhận được thông tin từ một doanh nghiệp Đan Mạch về việc một số doanh nghiệp Việt Nam dùng CE được cấp bởi các tổ chức không được EU công nhận để xuất khẩu trang thiết bị, vật tư y tế vào EU.
"Đối với mặt hàng khẩu trang thông thường không cần nhãn CE. Đối với khẩu trang kháng khuẩn và khẩu trang y tế cần nhãn CE khi xuất khẩu vào thị trường EU", Thương vụ nhấn mạnh.
Lo sớm "chết yểu"
Theo ông Đinh Ngọc Long, chuyên gia Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, để đạt chứng chỉ CE, sản phẩm khẩu trang và bảo hộ lao động của doanh nghiệp Việt phải có đủ 3 tiêu chí: An toàn, tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khi thực hiện form đăng ký, các doanh nghiệp không cần quan tâm đến việc khẩu trang của mình có bao nhiêu lớp, mà chỉ cần đề cập đến việc nó là loại sử dụng một lần hay nhiều lần.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU quy định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau quy định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số quy định chung như: Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên; Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm; Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.
Còn theo ông Trần Tuấn Anh, chuyên gia về chứng chỉ chất lượng FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ), có một vài khác biệt về các quy định tiêu chuẩn khẩu trang đi Mỹ so với trước kia. Quy định mới thứ nhất: Sản phẩm cần sẵn sàng cho việc copy, nếu FDA chưa yên tâm thì họ sẽ copy sản phẩm mang về xem lại. Quy định mới thứ hai: Các chuyên gia của FDA sẽ đến doanh nghiệp thẩm định thông tin bất cứ khi nào họ muốn mà không cần thông báo trước.
Trước tình trạng trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cần đầu tư nghiêm túc, phát triển bài bản sản phẩm, nếu muốn được chia phần "ổ bánh thơm ngon" là thị trường khẩu trang thế giới.
Ông cảnh báo: "Nếu không có yếu tố chất lượng, qua mùa dịch, ngành khẩu trang của Việt Nam sẽ bị "chết yểu", chưa nói doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn nếu không nắm rõ các quy cách hàng hóa – chuẩn chất lượng sản phẩm của từng thị trường cụ thể".
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/xuat-khau-khau-trang-chua-in-tien-da-lo-chet-yeu/20200506012714665"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/xuat-khau-khau-trang-chua-in-tien-da-lo-chet-yeu-a5233.html