Ấn Độ siết chặt chính sách về FDI
Chính phủ Ấn Độ mới đây đã sửa đổi quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm ngăn chặn các vụ thâu tóm hoặc mua lại các công ty Ấn Độ, vốn đang suy yếu nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 .
Theo đó, tất cả các hoạt động FDI từ các nước láng giềng vào các công ty Ấn Độ nay sẽ phải được chính phủ phê chuẩn. Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với tất cả các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ, như Trung Quốc.
Các khoản đầu tư được thực hiện thông qua một nước thứ ba cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định này.
Mặc dù giới chức Ấn Độ cho biết quy định mới không nhằm cụ thể vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng các chuyên gia không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu.
Chuyên gia Atul Pandey tại công ty luật Khaitan & Co. nhấn mạnh: “Động thái này chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của các công ty Trung Quốc nhằm kiểm soát các doanh nghiệp Ấn Độ đang bị ảnh hưởng vì suy yếu bởi các biện pháp phong tỏa vì dịch Covid-19.
Hiện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) cũng đã bắt đầu rà soát lại các khoản đầu tư gián tiếp (FPI) từ các quỹ đầu tư Trung Quốc, do lo ngại nguy cơ thâu tóm”.
Động thái của New Delhi ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Bắc Kinh. Phía Trung Quốc cho rằng chính sách của Ấn Độ mang tính phân biệt đối xử và không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, theo giáo sư Biswajit Dhar tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Kế hoạch, Đại học Jawalarlal Nehru, bước đi của Ấn Độ không hề vi phạm quy định của WTO, mà xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích quốc gia và môi trường kinh doanh tại nước này.
“Trung Quốc đã có những bước khởi đầu thuận lợi tại các quốc gia khác. Lĩnh vực chế tạo là mục tiêu đầu tiên. Các công ty Trung Quốc có thể nhắm tới nhiều lĩnh vực khác đang chịu tác động suy thoái. Nhiều công ty Ấn Độ chắc chắn có mặt trong danh sách này, bao gồm cả các doanh nghiệp cỡ vừa”.
Nhiều nước đẩy mạnh chống thâu tóm doanh nghiệp
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất lo ngại những động thái từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch ngăn chặn các công ty nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế. Theo báo Nikkei Asian Review, các công ty trên sẽ được đưa vào danh sách các lĩnh vực được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Ngay cả Úc giờ cũng bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ hơn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, sau nhiều năm niềm nở chào đón dòng vốn lớn và ổn định từ đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Chính phủ Úc yêu cầu tất cả các khoản đầu tư nước ngoài đều phải chịu sự giám sát của Ủy ban Đánh giá đầu tư nước ngoài, bất kể giá trị thỏa thuận là bao nhiêu. Thời gian đánh giá, rà soát có thể kéo dài tới sáu tháng, thay vì một tháng như trước đây.
Còn tại châu Âu, các phương án ngăn chặn nguy cơ giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, gia tăng thâu tóm và kiểm soát các công ty công nghệ quan trọng cũng được triển khai.
Financial Times dẫn lời bà Margrethe Vestager - Phó chủ tịch điều hành phụ trách chính sách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) - kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) mua lại cổ phần những công ty công nghệ khu vực để ngăn chặn mối đe dọa thâu tóm từ Trung Quốc.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi không có vấn đề gì với việc chính phủ các nước khu vực hành xử như tổ chức thị trường khi cần thiết để ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp bị thâu tóm”.
Hiện, chính phủ nhiều nước như Đức, Ý và Tây Ban Nha đã lần lượt triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp quan trọng bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ.
Giới chức Anh cũng có những bước đi nhằm ngăn chặn động thái giành quyền kiểm soát hãng thiết kế chip nổi tiếng Imagination Technologies Group của công ty đầu tư nhà nước Trung Quốc China Reform Holdings.
Các nước giàu có trong EU như Pháp, Đức cũng được kêu gọi cần có phương án để hỗ trợ các nước nghèo hơn, vốn không đủ nguồn lực để ngăn cản những thương vụ thâu tóm từ nước ngoài.
Tác động đến luồng vốn đầu tư của Trung Quốc
Các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc hiện vẫn đang đẩy mạnh những thương vụ thâu tóm trong những ngành được coi là ưu tiên chiến lược quốc gia của nước này như ô tô, năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Mới đây, CNIC Corp - một quỹ đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đang xem xét khả năng mua lại 10% cổ phần của Greenko Group - công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Ấn Độ.
Hãng tin Bloomberg cũng dẫn các nguồn tin cho biết, các ngân hàng ở Trung Quốc đang nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn mua các tài sản ở châu Âu của các công ty và các quỹ đầu tư Trung Quốc bao gồm nhiều công ty nhà nước.
Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng bắt đầu săn lùng mục tiêu thâu tóm khi đại dịch Covid-19 khiến giá tài sản trên toàn cầu giảm mạnh.
Trong khi các rào cản pháp lý của các quốc gia có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp trong những lĩnh vực trọng yếu, việc hạn chế những thương vụ thâu tóm trong các lĩnh vực khác, không liên quan đến an ninh quốc gia lại không hề dễ dàng.
Chuyên gia Yang Wang từ Công ty Luật Dechert LLP có trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc dự báo: “Vẫn còn sớm nhưng chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ sôi động hơn trong nửa cuối năm nay khi các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh những thương vụ giao dịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nước ngoài. Các thương vụ trong những lĩnh vực như hàng tiêu dùng, du lịch và khách sạn sẽ phục hồi ngay sau khi mọi thứ trở lại bình thường”.
Quan trọng hơn, với các doanh nghiệp đang suy yếu nặng nề vì dịch Covid-19, mục tiêu hàng đầu lúc này chính là cân bằng sổ sách tài chính.
Do đó, nếu không có sự trợ giúp kịp thời từ các chính phủ, sẽ là không dễ dàng để từ chối một lời chào mua hấp dẫn với mức giá tốt từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo Thương hiệu & Công luận
"https://thuonghieucongluan.com.vn/ngan-chan-nguy-co-trung-quoc-thau-tom-doanh-nghiep-quan-trong-a97401.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ngan-chan-nguy-co-trung-quoc-thau-tom-doanh-nghiep-quan-trong-a5089.html