Nếu quan sát tình hình xuất khẩu (XK) trái cây gần đây sẽ thấy với tác động của dịch Covid-19 thì hầu hết các mặt hàng trái cây chủ lực đều có kim ngạch XK sụt giảm, đặc biệt là tại thị trường chính yếu như Trung Quốc.
Cải thiện sức chống chịu
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, so với sụt giảm ở thị trường Trung Quốc thì XK trái cây Việt sang các quốc gia ASEAN tuy có giá trị XK chưa thể sánh kịp nhưng lại có mức độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Chẳng hạn, số liệu trong quý I/2020 cho thấy kim ngạch XK rau quả sang Indonesia đạt 2,1 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là 164,8 nghìn USD. Hoặc như Thái Lan từ 7,6 triệu USD tăng lên 35,2 triệu USD; Lào từ 2,6 triệu USD tăng lên 9,6 triệu USD; Campuchia từ 340 nghìn USD tăng lên 885,3 nghìn USD.
Ngay cả như thị trường Nga cũng tăng từ 2,4 triệu USD lên 8,2 triệu USD trong quý I năm nay. Với những thị trường chủ lực khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông..., do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc muốn gia tăng kim ngạch XK rau quả trong lúc này là rất khó.
Tuy nhiên, có thể thấy việc cơ cấu lại thị trường XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc phải tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Nói về vấn đề này, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho rằng việc tiếp cận các thị trường mới và đa dạng sẽ giúp tăng doanh thu XK nông sản Việt và mở rộng sản xuất.
Không những vậy, theo ông Kyle, điều đó còn giúp “cải thiện khả năng chống chịu” của các DN nông nghiệp Việt Nam trước những sụt giảm đột ngột về nhu cầu ở một số thị trường do các cuộc khủng hoảng gây ra, như đại dịch Covid-19 hiện nay.
Và để hỗ trợ nỗ lực mở rộng thị trường XK cho trái cây chất lượng cao của Việt Nam, mới đây IFC đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhằm đẩy mạnh XK và tăng thu nhập cho người nông dân thông qua những cải thiện về chất lượng.
Điều đó được kỳ vọng sẽ giúp trái cây Việt tiếp cận được các thị trường mới có giá trị cao. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng việc hợp tác sẽ hỗ trợ thúc đẩy những nỗ lực liên tục nhằm hiện thực hóa tiềm năng XK và sẽ là cơ sở để mở rộng áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp khác.
Cụ thể, trong 4 năm tới, IFC sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật với trọng tâm chủ yếu là mở rộng XK những trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế, như thanh long và chanh leo.
Kỳ vọng thanh long, chanh leo
Thực tế, thanh long và chanh leo là nhóm sản phẩm trái cây có tốc độ tăng trưởng sản xuất và XK nhanh nhất với tiềm năng mạnh mẽ trong tiếp cận các thị trường giá trị cao.
Đơn cử như trái thanh long vốn chiếm đến 1/3 tổng kim ngạch XK trái cây của Việt Nam. Trước khi có dịch Covid-19, thanh long XK sang khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chiếm 80%.
Tuy nhiên, nếu nhìn những trở ngại ở đường biên mậu cùng với dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc thì việc XK phần lớn sản lượng thanh long vào thị trường này là quá rủi ro.
Chưa kể, diện tích gieo trồng và sản lượng thanh long nội địa Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới với mùa thu hoạch hàng năm từ khoảng tháng 5 - 11. Cho nên việc chuyển hướng, tìm thêm thị trường mới có giá trị cao ngoài Trung Quốc cho trái thanh long Việt là rất cần thiết.
Chẳng hạn với các thị trường gần như Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Myanmar… cũng đang có nhu cầu tiêu thụ lớn với thanh long. Hay như ở EU có Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Anh…; còn ở châu Mỹ có Canada, Mỹ, Chile…; ở Trung Đông thì có UAE, Quatar...
Tại “thủ phủ” thanh long Bình Thuận, gần đây, một số DN mở rộng XK thanh long sang các thị trường mới như Myanmar, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Quatar.
Với chanh leo, theo đánh giá, đây là một trong những loại trái cây có nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu, với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm, với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm.
Do đó, tiềm năng XK chanh leo của Việt Nam là rất lớn. Và các DN XK chanh leo thay vì chú trọng xuất sang Trung Quốc như lâu nay thì có thể cập nhật thông tin từ những thị trường mới có nhu cầu để nhanh chóng tiếp cận.
Như ở thị trường Mỹ trong năm 2020 được cho là có cam kết sẽ mở cửa cho bưởi Việt Nam, đồng thời sớm nghiên cứu mở thêm quả chanh leo và nhiều loại trái cây khác.
Giới chuyên gia cho rằng tuy lượng trái cây XK từ Việt Nam sang Mỹ chưa lớn, nhưng đây là thị trường có giá trị cao và đang tăng đều qua từng năm (hiện dao động khoảng 10.000 tấn/năm). Các điều kiện kỹ thuật mà phía Mỹ yêu cầu đối với trái cây nhập khẩu thì nhiều nhà vườn ở Việt Nam có thể đáp ứng tốt.
Với việc xâm nhập thị trường mới, như chia sẻ của ông Kyle Kelhofer, sẽ giúp bảo vệ việc làm và sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông dân trong ngành kinh doanh nông nghiệp, và xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững theo định hướng XK và có giá trị gia tăng cao hơn tại Việt Nam.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-bay-ke-mo-thi-truong-moi-cho-trai-cay/20200417040028989"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bay-ke-mo-thi-truong-moi-cho-trai-cay-a4040.html