Tách bạch một số đối tượng
Trước khi ban hành Nghị quyết 42 nêu trên, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các đối tượng nhận trợ giúp nhằm bảo đảm cuộc sống cơ bản được giữ như đề xuất ban đầu của Chính phủ, song tại Nghị quyết 42 đã tách bạch giữa đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ cũng không định nghĩa người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là lao động tự do như báo cáo ban đầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khi thẩm tra về các biện pháp hỗ trợ này của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, do tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ cần tính đến những biện pháp trong dài hạn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và ổn định xã hội, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đánh giá cao việc triển khai các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh, đây thực chất là chính sách, biện pháp hỗ trợ bằng tài chính, tiền mặt trên diện rộng, bao phủ nhiều nhóm dân cư và người lao động trong xã hội. Các giải pháp này tiếp tục thể hiện rõ hơn nữa tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước ta.
Bảo đảm minh bạch, công bằng
Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 19 - 20 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại năm 2019 của ngân sách trung ương; nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định; nguồn ngân sách địa phương (khoảng 13 - 14 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3 nghìn tỷ đồng); cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16 nghìn tỷ đồng).
Có thể thấy, việc tăng chi tiêu cho các chính sách an sinh, trợ cấp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc ban hành và triển khai các giải pháp hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này ở Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nếu Chính phủ không hỗ trợ cho lượng lớn người nghèo, cận nghèo, thì họ sẽ trở nên bần cùng hóa, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn gây bất ổn về mặt xã hội.
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường hiện nay, việc cho phép Chính phủ chủ động, linh hoạt trong áp dụng các giải pháp hỗ trợ người dân là cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, đây là gói hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách trung ương và địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài dịch bệnh chưa thể xác định rõ, nên phải đánh giá kỹ hơn các tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô.
Bên cạnh việc khẩn trương triển khai thực hiện gói chính sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, rà soát chặt chẽ quy định về các đối tượng thụ hưởng, tránh những kẽ hở gây phát sinh trục lợi chính sách; bảo đảm công bằng. Đồng thời, cần quy định cụ thể về thời hạn thực hiện, quy trình thủ tục thực hiện thuận tiện cho người dân, quy định chặt chẽ về kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách này.
Đặc biệt, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã có những lưu ý cụ thể đối với việc hỗ trợ của ngân sách trung ương cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách hoặc có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%. Theo đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc… không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không bảo đảm nguồn lực để thực hiện.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan được giao chủ trì thực hiện các giải pháp này đã khẳng định, đa số đối tượng được hỗ trợ sẽ được xem xét thụ hưởng chính sách ngay trong tháng 4 này. Tuy nhiên, với nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do và không có giao kết hợp đồng, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, quy trình thực hiện hỗ trợ có thể chấp nhận thêm thời gian nhất định do việc thống kê danh sách nhóm đối tượng trên cần triển khai đồng bộ qua hệ thống doanh nghiệp, xác nhận của chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm minh bạch và công khai.
Như vậy, lo ngại về “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống phần nào được giải tỏa khi cơ quan chủ trì triển khai thực hiện đã xác định rõ cách thức, phương thưc thực hiện phù hợp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện; đồng thời, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo vietnamhoinhap.vn
"https://vietnamhoinhap.vn/article/tranh-de-xay-ra-truc-loi-chinh-sach---n-29728"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tranh-de-xay-ra-truc-loi-chinh-sach-a3967.html