Ngày 6/4, Hà Nội xác nhận một bệnh nhân được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 sau 23 ngày đến Bệnh viện Bạch Mai. Đây là trường hợp bệnh nhân 243, 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội.
Bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú tại khoa Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12/3. Ngày 30/3, bệnh nhân đến xã trình báo việc từng đến Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm ngày 4/4 và ngày 5/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
23 ngày. Từ đây, xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại vì bệnh nhân có thời gia ủ bệnh lên tới 23 ngày, trong khi đó, quy luật thông thường thời gian ủ bệnh COVID-19 chỉ là 14 ngày.
Phát biểu tại cuộc họp sáng 6/4, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: "Cả tháng nay họp chúng ta đã nói về bài học có ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc sau 27 ngày mới dương tính, ở Mỹ tính trung bình là 22,5 ngày, dài nhất ở Vũ Hán là 39 ngày mới dương tính. Còn chúng ta, bây giờ tìm thấy bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám từ ngày 12/3, từ hôm đó về nhà không tiếp xúc với ai, thế nhưng 23 ngày sau dương tính với COVID-19".
Về trường hợp này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết không thể đánh giá bệnh nhân này là trường hợp có thời gian ủ bệnh lên tới 23 ngày bởi chưa xác định chính xác thời gian bệnh nhân lây bệnh.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân này có thể chỉ là người lành mang trùng bệnh hoặc có thời gian mang bệnh nhưng không có triệu chứng. Các bệnh do virus gây ra đều có thể có trường hợp người lành mang trùng bệnh. Người lành mang trùng bệnh không có biểu hiện của bệnh nhưng vẫn có thể lây cho người khác.
Cũng theo BS Khanh, nếu chính xác lây từ BV Bạch Mai thì chỉ xác định xét nghiệm từ ngày 25-26/3. Thời gian ủ bệnh chính xác nhất là phải tìm chính xác được nguồn lây và thời gian tiếp xúc với nguồn lây.
Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh ca bệnh này. Các chuyên gia đều cho rằng đề nghị Hà Nội làm rõ thêm thời điểm sau 12/3 bệnh nhân có đi đâu và có nguy cơ từ nguồn lây nào khác hay không?
Nếu lây từ nguồn lây Bệnh viện Bạch Mai thì mối lo có mầm bệnh phát tán ngoài cộng đồng có giảm đi, do khu vực Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch đã được xác định và đã phong tỏa.
Mặt khác, hiện không có sự thống nhất về thời điểm lấy mẫu và có kết quả của bệnh nhân. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân được lấy mẫu ngày 4/4 và ngày 6/4 có kết quả; theo Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được lấy mẫu ngày 1/4; còn theo thông tin từ chủ tịch Hà Nội thì bệnh nhân được lấy mẫu ngày 4/4 và có kết quả ngày 5/4. Thời gian lấy mẫu chưa chính xác cũng ảnh hưởng đến các phán đoán về ca bệnh này.
Trước đó, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, nước này từng tranh cãi về việc có bệnh nhân ủ bệnh lên tới 24 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia nước này cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định thời gian ủ bệnh kéo dài như vậy. Khuyến cáo chính xác được đưa ra là 14 ngày, vì có thể cộng đồng có ca mắc nhưng không xác định thời gian tiếp xúc nguồn lây.
Nếu những người mang virus và triệu chứng nhẹ thì vẫn có thể lây cho người xung quanh tiếp xúc gần nếu không có biện pháp phòng hộ chặt chẽ.
Theo Hà Ly
"https://baosuckhoecongdong.vn/chua-the-khang-dinh-bn243-lay-benh-tu-bv-bach-mai-thoi-gian-u-benh-23-ngay--161692.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/chua-the-khang-dinh-bn243-lay-benh-tu-bv-bach-mai-thoi-gian-u-benh-23-ngay-a3138.html