Và thị trường ngách là lựa chọn của Thạc sĩ Nông học Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy canh Việt (Vietponics), một đơn vị uy tín chuyên sản xuất và cung ứng rau, củ, quả sạch, an toàn, kết hợp du lịch canh nông tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Doanh nghiệp Việt Nam xin chia sẻ bài viết của anh.
Mùa Covid-19, nhà hàng khách sạn đóng cửa, thế là mất một đầu ra ổn định. Kênh chợ đầu mối cũng vừa làm vừa run, vừa lo chợ đóng cửa, vừa lo các nhà xe ngừng hoạt động thì làm sao chuyển hàng..., nói chung là cực kỳ bất an.
Mùa dịch có thể không đi du lịch, đi chơi, nhưng bắt buộc vẫn phải ăn! Và thế là mình quyết định phát triểnthị trường ngách là hộp rau gia đình, giao hàng tận nơi. Xưa giờ, đây chỉ là thị trường ngách, nhưng mùa dịch này, nó lại trở thành kênh chủ lực cứu rỗi linh hồn.
Mỗi ngày làm chục thùng rau thôi, là đủ sức gồng gánh cả hệ thống vượt qua mùa dịch. Để cá nhân mình đủ ăn thì dễ, mà để đủ sức nuôi cả hệ thống vượt qua khủng hoảng thì cực khó, và đôi khi, sự tồn tại của cả hệ thống lại phụ thuộc vào một thị trường ngách nhỏ xíu.
Giờ mới thấy may mắn, công sức mấy năm nay lên chiến lược chiến thuật đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm... các kiểu xem như không bị lãng phí. Ai cũng có ngày mưa không mang dù, nên mọi sự chuẩn bị không bao giờ là thừa.
Thị trường ngách mà Vietponics hướng đến giữa bối cảnh Covid-19 là cân đối thị trường theo tỷ lệ 7/3. Nghĩa là 30% sản lượng bán kênh cao cấp để thu về 70% doanh thu, có dán tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chú trọng xây dựng thương hiệu, gồm các kênh như nhà hàng, khách sạn cao cấp, cửa hàng rau sạch, hộp rau quà tặng lễ tết, sự kiện, hộp rau gia đình...
Ngược lại, 70% sản lượng còn lại thì bán xả, không cần tem nhãn hay đóng gói kỹ càng, chỉ bán chợ đầu mối, với giá rẻ, để thu về 30% doanh thu còn lại, tiền này chỉ để chi trả cho nhân viên, quan trọng là hàng đi tiền về, công nợ nhanh.
Nhờ linh hoạt, đa dạng hoá thị trường, Vietponics vừa phát triển kênh bán lẻ, vừa xây dựng thương hiệu, vừa bán online, đồng thời cũng có một “van xả” để dùng lúc cần. Tuỳ mùa mà tỷ lệ này sẽ dao động 3/7 hoặc 4/6 hoặc 2/8. Do chuẩn bị sẵn tâm thế nên Vietponics không quá bị động dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Đi kênh chợ đầu mối thì đặc điểm là có bao nhiêu người ta tiêu thụ bấy nhiêu, không có thì thôi. Nên nhờ vậy,Vietponicscó thể chuyên tâm phát triển mảng giá cao mà không lo bị hụt nguồn cung (ngày nào nhiều đơn hàng online thì mình ngắt kênh chợ đầu mối, ưu tiên cho kênh online và ngược lại).
Bên cạnh đó, bán online hoặc bán lẻ thì mình không đoán được trước đơn hàng hàng ngày, có ngày nhiều đơn, có ngày không có ai mua. Do đó,thành hay bại nằm ở chỗ cái van xả này. Ai thiết kế được cái van xả an toàn thì người đó có cơ hội phát triển thương hiệu rau cao cấp.
Siêu thị thì lại không linh động như chợ, nên nếu đi siêu thị thì phải bảo đảm cho họ về sản lượng, điều đó ngược lại sẽ làm khó chính mình trong việc phát triển thị trường bán lẻ riêng.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, hệ thống tưới tiêu thông minh, tạo chuỗi liên kết bền vững, truy xuất nguồn gốc, tem định danh rõ ràng, nên sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn, sạch, được khách hàng ưa chuộng, xuất đi rộng khắp thị trường trên cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, TP. Nha Trang (Khánh Hoà), Quảng Bình...
Mình hy vọng, với thị trường ngách, không chỉ giúp nông sản của Vietponics, mà còn có thể giúp các nông sản khác của người dân Lâm Đồng với thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, sẽ vượt qua được “bão” Covid-19 và vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế...
Theo Tâm An
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ceo-vietponics-nguyen-duc-huy-hop-rau-gia-dinh-giao-hang-tan-noi-du-gong-ganh-qua-dai-dich-covid-19/20200401103754085"