Ngày 30/3, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều nay, Thủ tướng cho biết Giáo sư Trần Văn Thọ và Giáo sư Trần Ngọc Phúc, người phát minh ra máy trợ thở cho trẻ sinh non ở Nhật Bản đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước sản xuất máy trợ thở.
Được biết chiếc máy trợ thở do GS Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Công ty Metran sáng chế mang tên JFLO.
Đặc điểm nổi bật của JFLO trong máy có sẵn Battery (pin). Chiếc máy chỉ nặng 1,5kg (bằng 1/10 so với những thiết bị trợ thở thông thường trong Bệnh viện) phù hợp với điều trị tại gia đình, bệnh viện, rất thuận tiện di chuyển. Ngoài việc hỗ trợ thở 24 giờ, do không bị phụ thuộc vào điện lưới AC, máy JFLO còn giúp bệnh nhân linh hoạt trong vệ sinh cá nhân một cách dễ dàng.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc thiết kế và dự toán để sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến khi cần thiết cũng như chương trình sản xuất máy trợ thở trong nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, các tỉnh thành phố cần chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tình huống xấu nhất khi số ca bệnh tăng vọt.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung từng cho biết toàn thành phố chỉ có 260 máy thở, số máy này còn đang được sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác. Trong khi đó, nguồn cung đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 cái.
TP Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Y tế cung cấp cho thành phố máy thở và 15.000 – 20.000 bộ test nhanh COVID-19 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Còn trong cuộc họp sáng 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các đại biểu đã bàn bạc về việc chủ động bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Về sản xuất khẩu trang y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày đồng thời chủ động được nguồn nguyên liệu và sản xuất được sản phẩm có chất lượng tương đương khẩu trang N95,…
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tiến hành sản xuất khẩu trang với công xuất tối đa, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực thì tiến hành mở rộng dây chuyền.
Về trang phục bảo hộ y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Hà Ly
"https://baosuckhoecongdong.vn/chong-covid-19-cha-de-may-tro-tho-cho-tre-sinh-non-o-nhat-ban-muon-trien-khai-cho-viet-nam-160587.html"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/chong-covid-19-cha-de-may-tro-tho-cho-tre-sinh-non-o-nhat-ban-muon-trien-khai-cho-viet-nam-a2427.html