Ninh Thuận: Đất cát 'nở hoa' nhờ trồng măng tây theo công nghệ Israel

Mô hình trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đang giúp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chấu Rế (Thành Tín, Phước Hải, Ninh Thuận) đánh thức vùng đất cát pha, ngủ yên trong khô hạn, đóng góp tích cực vào quá trình bảo vệ môi trường sinh thái.

HTX gặt hái thành công nhờ măng tây xanh

Biến bất lợi thành lợi thế

Được thành lập từ năm 2018, HTX Chấu Rế xuất phát điểm với 73 thành viên, toàn bộ là người dân tộc Chăm, có thu nhập trung bình hoặc thấp. HTX hoạt động chính với nghề trồng lúa và măng tây xanh, cùng các dịch vụ khác như cung ứng giống, vật tư, tín dụng…

Chị Châu Thị Xéo – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Thành Tín là vùng đất cát đầy nắng và gió, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, HTX Chấu Rế được thành lập với khát khao đánh thức được vùng đất cát vốn đang ngủ yên trong khô hạn”.

Với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, HTX Chấu Rế nhận được sự quan tâm đặc biệt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức SNV (Hà Lan) hỗ trợ HTX phát triển mô hình trồng măng tây xanh theo công nghệ Israel.

Theo đó, HTX được hỗ trợ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm/hệ thống tưới nhỏ giọt, mua giống măng tây chất lượng cao, đào tạo và tập huấn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, hoàn thiện điểm tập trung, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Có điểm tựa vững vàng, HTX Chấu Rế đứng ra liên kết các trang trại trồng măng tây xanh tại địa phương, tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và bao tiêu 100% sản phẩm cho các hộ thành viên.

Hiện, đã có 32 hộ thành viên của HTX tham gia mô hình, tổng diện tích canh tác đạt trên 10 ha. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho hộ thành viên, mô hình đang tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức tiền công ổn định 150.000 – 200.000 đồng/ngày.

Công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại những ưu điểm vượt trội về môi trường

Ưu điểm vượt trội về môi trường

Bên cạnh măng tây xanh, HTX Chấu Rế cũng đang rất thành công với mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến). Hiện, HTX đang canh tác trên tổng diện tích hơn 40 ha, 100% diện tích được áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt và biện pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp IPM.

Cả hai mô hình trồng măng tây và lúa của HTX đều đang cho thấy hiệu quả cao về kinh tế và đặc biệt là những giá trị ưu việt về môi trường sinh thái đến từ công nghệ Israel.

Trước hết, việc tưới nhỏ giọt giúp HTX tiết kiệm tối đa nguồn nước, thứ tài nguyên được đánh giá còn quý hơn vàng tại địa phương. Các vùng trồng măng tây và lúa của HTX cũng góp phần hạn chế tình trạng cát lấn, hoang mạc hóa tại địa phương.

Trong quá trình canh tác, thay vì sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường, HTX sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh, dùng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh để chăm sóc cây trồng,… góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

“Việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cùng các kỹ thuật tiên tiến khác giúp HTX giảm thiểu hơn 75% lượng hóa chất sử dụng, góp phần bảo vệ nguồn nước, môi trường đất, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe thành viên, người tiêu dùng”, Giám đốc HTX Châu Thị Xéo cho biết.

Rõ ràng, trong bối cảnh hội nhập, sự nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học – công nghệ, bắt nhịp nhu cầu thị trường, đang giúp HTX Chấu Rế gặt hái thành công, tạo sinh kế bền vững cho thành viên, đồng thời mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho nông dân trong và ngoài địa phương.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ninh-thuan-dat-cat-no-hoa-nho-trong-mang-tay-theo-cong-nghe-israel/20200330043334391"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ninh-thuan-dat-cat-no-hoa-nho-trong-mang-tay-theo-cong-nghe-israel-a2408.html