Bác sĩ “bật mí” cách làm mặt nạ che giọt bắn tặng đồng nghiệp tuyến đầu chống dịch Covid-19

Thay vì phải mua mặt nạ che giọt bắn với giá 200.000 đồng, tranh thủ giờ giải lao, các “chiến sĩ áo trắng” đã tự làm mặt nạ với chi phí chỉ 5.000 - 7.000 đồng, từ những vật liệu thông thường nhưng hiệu quả cao, để tặng cho đồng nghiệp của mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Mặt nạ che giọt bắn Made by nhân viên y tế

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng phong trào cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ trẻ đã tranh thủ giờ giải lao, sáng tạo ra những chiếc mặt nạ che giọt bắn để tặng cho các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Các y, bác sĩ tranh thủ giờ giải lao làm mặt nạ che giọt bắn để phòng chống Covid-19

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Đoàn Thanh niên Bệnh viện đã phối hợp cùng các chi Đoàn trong Bệnh viện phát động triển khai làm 10.000 mặt nạ che giọt bắn, mũ phòng hộ để phát miễn phí cho các đơn vị.

Ngay sau khi phát động, hầu hết các chi Đoàn trong bệnh viện đã hưởng ứng và thực hiện nhiệt tình. Để hạn chế việc tụ tập đông người, các y, bác sỹ đã chủ động phân chia khung giờ, mỗi người mỗi việc và thực hiện đúng các nguyên tắc phòng chống dịch.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên Huế), các y, bác sĩ trẻ cũng tự làm mặt nạ che giọt bắn giúp phòng hộ cho các y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc với bệnh nhân, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhân viên y tế sẽ kết hợp đeo khẩu trang, mũ giấy và mặt nạ che giọt bắn này sẽ tránh được nguy cơ xâm nhập của virus.

Tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp phong trào làm mặt nạ che giọt bắn cũng triển khai rất sôi nổi

Tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), theo BS. Lưu Công Chính, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện, cho biết, với điều kiện kinh tế khó khăn khi mỗi mặt nạ chắn có giá trị trên dưới 200.000 đồng, các đoàn viên đơn vị cũng đã nghĩ ra cách làm mặt nạ chắn từ những vật liệu thông thường nhưng hiệu quả cao.

“Mỗi chiếc mặt nạ được làm chỉ từ 5-7 phút với kinh phí rẻ khoảng 5.000-7.000 đồng nhưng chất lượng đảm bảo và hiệu quả phòng dịch cao. Sau khi phát động, chỉ riêng trong Ngày thành lập Đoàn 26/3 vừa qua, các đoàn viên của bệnh viện đã làm được gần 100 mặt nạ”, BS. Chính cho hay.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, virus Covid-19 không chỉ lây nhiễm qua giọt bắn vào miệng, mũi mà các giọt bắn nếu rơi vào giác mạc cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao, nên mặt nạ che giọt bắn rất hiệu quả với y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Y, bác sỹ cần kết hợp đeo khẩu trang, mũ giấy và mặt nạ này thì sẽ tránh được nguy cơ xâm nhập của virus.

“Bật mí” 6 bước làm mặt nạ che giọt bắn

Theo chia sẻ của các y, bác sĩ, nguyên liệu để làm mặt nạ che giọt bắn chỉ gồm nhựa mica trong, xốp, dây thun, dập ghim, băng dính nên chi phí rẻ (chỉ khoảng 5.000-7.000 đồng) và thời gian hoàn thành nhanh (khoảng 5-7 phút). Cũng nhờ được làm từ chất liệu mica và xốp nên mang lại cảm giác rất nhẹ nhàng, thoải mái khi đeo. Mặt nạ che giọt bắn góp phần ngăn giọt bắn hiệu quả hơn khẩu trang khi có diện tích lớn hơn, tầm che chắn rộng hơn. Sản phẩm này cũng có thể sử dụng nhiều lần sau khi sát khuẩn bề mặt.

Nhờ được làm từ chất liệu mica và xốp nên mặt nạ che giọt bắn không chỉ phòng được
 sự lây lan của Covid-19 mà còn rất nhẹ nhàng, thoải mái khi đeo

Nhằm chung tay phòng chống dịch Covid-19, các y, bác sĩ không ngần ngại “bật mí” cách làm, thậm chí còn quay clip hướng dẫn rất chi tiết cách làm để các cơ sở y tế tự làm ra được thật nhiều và nhanh những mặt nạ ngăn chặn giọt bắn để tặng cho các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chuẩn bị nguyên vật liệu:

1. Tấm kính trong dẻo thường dùng đóng bìa sách.

2. Miếng nhựa làm khung của tấm chắn.

3. Tấm mút làm vòng đầu.

4. Băng keo 2 mặt.

5. Nút bấm nhựa và dụng cụ bấm.

6. Kéo + thước kẻ.

Các bước tiến hành:

Bước 1: Cắt tấm kính theo kích thước A3 hoặc A4, cắt bo viền.

Bước 2: Cắt tấm mút làm vòng đầu với chiều ngang 2.5 cm, chiều dài 32 cm.

Bước 3: Cắt miếng nhựa dẻo kích thước ngang 2,5 cm, dài 41 cm.

Bước 4: Chấm trung điểm tấm mút, từ trung điểm đo sang 2 bên mỗi bên 12cm (với khổ kính A4) hoặc 17cm (với khổ kính A3) và đánh dấu cách cạnh dài 1cm. Dùng tấm mút ướm thử vòng đầu và đánh dấu lại cho phù hợp.

Bước 5: Dán băng keo 2 mặt dính tấm nhựa vào mặt trên tấm kiếng dẻo, đánh dấu 2 góc miếng nhựa cách cạnh dài và cạnh ngang đều 1cm.

Bước 6: Bấm nút vào các vị trí đã đánh dấu và hoàn thành sản phẩm.

Theo Viên Hữu

"https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/bac-si-bat-mi-cach-lam-mat-na-che-giot-ban-tang-dong-nghiep-tuyen-dau-chong-dich-covid-19/20200330030236511"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bac-si-bat-mi-cach-lam-mat-na-che-giot-ban-tang-dong-nghiep-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-a2407.html