VINASME và Bộ Khoa học & Công nghệ tìm cách gỡ khó cho DNNVV thời Covid-19

Sáng ngày 24/3, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về giải pháp phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời định hướng phát triển hợp tác lâu dài giữa hai cơ quan.

Quang cảnh buổi làm việc giữa VINASME và Bộ Khoa học và Công nghê. Ảnh: Hoàng Lân

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Nam Hải – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Phó Chánh văn phòng Bộ. Về phía VINASME có ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch; bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE); ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME).

Tại cuộc trao đổi, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, chủ trương của Bộ KH&CN về việc hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn luôn nhất quán và xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Trong khi dịch Covid – 19 đang diễn biến hết sức phức tạp thì vai trò của Bộ KH&CN càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ liên hệ với VINASME để đề xuất thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề thắt nút cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời định hướng sự hợp tác lâu dài giữa hai cơ quan.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy khẳng định chủ trương của Bộ đối với 
cộng đồng doanh nghiệp là nhất quán. Ảnh: Hoàng Lân

Theo đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề xuất 7 đề mục công việc mà hai bên có thể phối hợp cùng triển khai, trong đó có 3 công việc có thể thực hiện ngay, bao gồm: Tổng hợp, đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố công nghệ cao và đề xuất đối với Bộ KH&CN; Góp ý về việc điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN; và ký kết bản hợp tác chiến lược giữa Bộ KH&CN và VINASME.

Ngoài ra, có 4 công việc hai bên có thể hợp tác trong dài hạn như: Thành lập hội đồng Thẩm định KH&CN giữa Bộ KH&CN và VINASME; Phối hợp tổ chức các hội chợ Công nghệ; Phối hợp xây dựng bộ công cụ, giải pháp khoa học với mục tiêu số hóa doanh nghiệp; và Phối hợp điều hành công tác trao đổi thông tin giữa hai cơ quan từ cấp Trung ương tới cấp địa phương.

Thứ Trưởng Bùi Thế duy nhấn mạnh: “Bộ KH&CN có 3 nguồn lực để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là cơ chế, chính sách; dự án KH&CN; và khả năng huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nên chủ động đổi mới để tạo đầu việc cho các nhà khoa học, nếu không sẽ rất khó có thể mời họ tham gia”.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đánh giá rất cao sự đổi mới của Bộ KH&CN. (Ảnh: Hoàng Lân)

Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch VINASME hoàn toàn nhất trí với các đề xuất của đồng chí Thứ trưởng.

“Bộ KH&CN là một trong số không nhiều các cơ quan nhà nước có tư duy đổi mới, hơn nữa lại làm rất đúng và trúng với chủ trương số hóa của Đảng và Nhà nước, do vậy tôi hết sức ủng hộ cách làm mới này", Chủ tịch VINASME khẳng định.

Ông Thân cũng lưu ý rằng nếu Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia không có sự đổi mới so với Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tỷ lệ thất bại là rất cao. Nguyên nhân là các Quỹ đang hoạt động trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, do đó số lượng thủ tục hành chính yêu cầu đối với doanh nghiệp không khác gì so với các yêu cầu của ngân hàng. Trong trường hợp này, Bộ KH&CN cần coi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia như một quỹ đầu tư mạo hiểm, vì bản chất của đổi mới sáng tạo là sự mạo hiểm.

Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm IDE nêu đề xuất với Bộ KH&CN. (Ảnh: Hoàng Lân)

Bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm IDE đề xuất với Bộ KH&CN cần có các biện pháp bảo vệ ý tưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay từ khi ý tưởng đó mới chớm nở, vì thực tế tình trạng ăn cắp ý tưởng không chỉ diễn ra khi doanh nghiệp làm ăn có lời. Trung tâm IDE cũng chia sẻ những nền tảng, công cụ được IDE phát minh và đang ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc, như Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa (Check.net.vn) và Tem QR code chống hàng giả. Những công nghệ trên đã chứng minh được hiệu quả khi doanh thu của hầu hết doanh nghiệp đều tăng gấp đôi, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Viện trưởng SISME cam kết cung cấp miễn phí các gói dịch vụ 
của Viện cho cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Hoàng Lân)

Về phía SISME, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện trưởng SISME cũng cam kết với Bộ KH&CN sẽ cung cấp miễn phí dịch vụ Verco24, Verig Lending và các chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp cho các đơn vị có nhu cầu tới hết năm 2020, như một cách hưởng ứng công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước. Theo đó, nền tảng Verco24 là một công cụ quản trị doanh nghiệp, với mọi hoạt động đều được số hóa và vận hành thông qua internet. Ngoài ra, nền tảng Verig Lending được coi như một "chợ vốn điện tử", nơi sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kết nối nguồn vốn theo cơ chế thị trường và minh bạch hóa.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Chủ tịch Nguyễn Văn Thân tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Bộ KH&CN và VINASME là một bước ngoặt lịch sử đối với cả hai cơ quan. Lãnh đạo hai bên mong muốn các đề mục công việc đã nêu trong cuộc họp sẽ được triển khai ngay lập tức và có hiệu quả.

Theo Hoàng Lân

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/vinasme-va-bo-khoa-hoc-cong-nghe-tim-cach-go-kho-cho-dnnvv-thoi-covid-19/20200327111315460"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/vinasme-va-bo-khoa-hoc-cong-nghe-tim-cach-go-kho-cho-dnnvv-thoi-covid-19-a2341.html