Hà Nội: Khách hủy tour hàng loạt, nhiều công ty lữ hành đành cho nhân viên nghỉ không lương

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 80% ngành Du lịch, cùng với rất nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ phụ thuộc kế sinh nhai dựa vào hoạt động du lịch, cộng đồng này đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, sau khi Hà Nội và một số địa phương liên tục có ca nhiễm mới.

Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, du lịch được cho là một trong những ngành chịu thiệt hại đầu tiên và tác động khá nặng nề. Theo tìm hiểu một số doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Hà Nội, sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên bị phát hiện ở Hà Nội từ hôm 6/3/2020 khiến các công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh thê thảm chưa từng có.

Doanh thu bị sụt giảm 60-80%, nhân sự bị cắt giảm lương, nghỉ việc luân phiên, nghỉ phép dài hạn không lương, thậm chí nhân viên còn được khuyến khích kinh doanh các mặt hàng khác để kiếm thêm thu nhập mùa dịch. Đây là thực trạng đang diễn ra phổ biến ở các Công ty du lịch lữ hành trên địa bàn Hà Nội.

Cảnh sân bay vắng vẻ do ít khách di chuyển trong đợt dịch Covid-19

Đại dịch Covid–19 đang bùng phát trên toàn cầu là đã gây ra thiệt hại nặng nề đến nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Thời điểm hiện không ít các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng khủng hoảng, duy trì hoạt động hết sức cầm cự, thậm chí có một số doanh nghiệp du lịch lữ hành rơi vào trạng thái gần như đóng băng hoàn toàn mọi hoạt động.

Theo chị Ngọc Anh, nhân viên một công ty du lịch lữ hành có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, từ tháng 1/2020 ngay khi có công bố chính thức về dịch bệnh tại Trung Quốc, một loạt các booking bị hủy ngay đợt sau Tết. Toàn bộ các tour đi Trung Quốc, Thái Lan và các nước Nhật, Hàn, châu Âu đều bị hủy hàng loạt vì không hề có khách. Khách đoàn và khách ghép lẻ hủy chuyến liên tục. Doanh số của công ty tháng sau Tết sụt giảm gần như về không.

Khó khăn chồng chất, buộc ban lãnh đạo công ty này phải ra một quyết định không ai muốn đó là cắt giảm 50% lương của CBNV, tổng số tiền nhận được tối thiểu không thấp hơn 5 triệu đồng, quyết định này sẽ có hiệu lực trong tháng 3 và 4, sau đó sẽ có quyết định tiếp theo tùy vào tình hình thực tế. Để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, các nhân viên vẫn được yêu cầu đến Công ty làm việc theo đúng quy định. Tuy nhiên, do quyết định học sinh được nghỉ, các nhân viên nữ thường xuyên phải nghỉ việc ở nhà chăm con hoặc cho con đến công ty dẫn đến năng suất làm việc không cao.

Đến thời điểm hiện tại, vì dịch bùng phát mạnh, gần như cả 1 tháng vừa qua đơn vị này chỉ phát sinh 1-2 giao dịch. Tổng kết 2 tháng đầu năm doanh số công ty giảm đến 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Một vài nhân viên tự động xin nghỉ phép không lương trong 2-3 tháng để ở nhà lo gia đình. Những nhân viên còn lại đến công ty nhưng tình trạng chung là không có khách, không có việc làm. Số nhân viên này được công ty khuyến khích tìm hiểu về các hình thức bán hàng mới hoặc các mặt hàng trên thị trường có thể kinh doanh được để có thể tăng thêm thu nhập trong giai đoạn khó khăn này.

Đối với rất nhiều các Công ty du lịch khác trên địa bàn tình hình cũng không khả quan hơn. Nhiều nhân viên công ty lữ hành đã chủ động xin nghỉ phép dài hạn không lương. Cũng có những đơn vị cho nhân viên nghỉ việc luân phiên đi làm một tuần, nghỉ một tuần, thực hiện chính sách cắt giảm thu nhập đối với toàn bộ ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên của công ty. Giảm thời gian làm việc (đi muộn về sớm và nghỉ thứ Bảy, chủ nhật) để vẫn đảm bảo hoạt động của Công ty nhưng phù hợp với tình hình thực tế.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch trên cả nước chỉ tính trong 2 tháng đầu năm đã thiệt hại khoảng 7 tỷ USD vì dịch bệnh. Có thể thấy đại dịch Covid–19 có ảnh hưởng vô cùng nặng nề đối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn cả nước. Với tình hình dịch vẫn đang diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực như hiện tại và chưa xác định được thời gian có thể khống chế được dịch thì các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn, điêu đứng. Các chủ doanh nghiệp sẽ phải rất khó khăn để có thể cầm cự và duy trì được hoạt động để không bị phá sản, chờ đến khi tình hình khởi sắc trở lại.

Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp du lịch nghĩ đến việc tái cơ cấu nhân sự, hoàn thiện về mặt quy trình hệ thống, đào tạo nhân sự và chuẩn bị thật kỹ cho việc phát triển khi dịch bệnh được khống chế trong thời gian tới.

Tại cuộc họp UBND TP Hà Nội diễn ra vào sáng 12/3/2020, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, trong 2 tháng đầu năm, các thị trường khách trọng điểm của du lịch Thủ đô đã sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu phát triển của ngành.

Theo đánh giá, lượng khách nội địa đến Hà Nội tính đến tháng 4/2020 dự kiến giảm 80%; lượng khách quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Sau khi dịch kết thúc, dự kiến lượng khách nội địa sẽ phục hồi sau 2 tháng, riêng với khách quốc tế, dự kiến phải sau 6 tháng mới có thể phục hồi.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trần Đức Hải khẳng định: “Toàn ngành đã và đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống dịch. Một số cơ sở lưu trú đã thu hẹp phạm vi hoạt động, song du lịch Thủ đô vẫn duy trì đầy đủ các dịch vụ để bảo đảm hoạt động thông suốt và sẵn sàng đón khách trở lại sau khi dịch kết thúc. Trên cơ sở đánh giá các tác động xấu của dịch, ngành Du lịch Thủ đô đã đưa ra 2 kịch bản để hồi phục sau dịch".

Theo Thiên An

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ha-noi-khach-huy-tour-hang-loat-nhieu-cong-ty-lu-hanh-danh-cho-nhan-vien-nghi-khong-luong/20200313094955782"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ha-noi-khach-huy-tour-hang-loat-nhieu-cong-ty-lu-hanh-danh-cho-nhan-vien-nghi-khong-luong-a1770.html