Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng đơn hàng bất chấp dịch Covid-19

Khó khăn trong xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đã chuyển hướng tiêu thụ trong nước. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, mà còn giúp họ hưởng lợi, bởi tiêu thụ nội địa vừa giúp rút ngắn thời gian giao dịch, vừa giảm chi phí vận chuyển.

Lượng đơn hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh trong thời gian gần đây 
(Ảnh minh hoạ: Internet)

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm trên 50%, nhưng riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ lại tăng doanh thu nhờ đơn hàng về tới tấp.

Tăng 40% đơn hàng

Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, sẽ có hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát bị giảm trên 50% doanh thu, gần 29% doanh nghiệp bị giảm 20-50% doanh thu.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định chỉ cầm cự được nguyên liệu sản xuất trong 1-2 tháng tới, nếu dịch bệnh kéo dài, có thể sang tháng 4 trở đi, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy và phá sản khi bị đứt nguồn cung nguyên liệu.

Trước tình hình này, mong muốn của doanh nghiệp là tìm mọi cách để thoát cảnh đói nguyên liệu. "Bên cạnh việc mở rộng nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng tôi đặt hàng doanh nghiệp trong nước", một doanh nghiệp cho hay

Ông Hà Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long cho hay, những ngày qua công nhân của Kim Long phải tăng tốc sản xuất, làm thêm giờ để đảm bảo thời hạn giao hàng cho khách hàng.

"Lượng đơn hàng đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)", ông Thắng cho hay.

Nguyên nhân đơn hàng tăng là do các doanh nghiệp này đang thiếu nguyên phụ liệu sản xuất do bị hạn chế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc. Cùng với đó, chuyên gia nước ngoài của các doanh nghiệp này không thể sang Việt Nam để giám sát, nên không sản xuất được và phải chuyển sang đặt hàng gấp tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Để gia tăng số lượng và chất lượng đơn hàng, doanh nghiệp phải đầu tư thêm trang thiết bị sản xuất. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thể tăng thêm lợi nhuận mà còn giúp khẳng định tên tuổi, chất lượng với các đối tác FDI. "Sau đợt đại dịch này, việc hợp tác cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục diễn ra và mở rộng hơn", ông Thắng hy vọng.

Tương tự, đại diện CTCP Dệt lụa Nam Định cũng cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trong nước, do bị hạn chế nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, các doanh nghiệp này đã tìm đến công ty sản xuất nguyên liệu trong nước. Nhờ đó, lượng đơn đặt hàng của Dệt lụa Nam Định tăng gấp đôi.

Một doanh nghiệp khác cho hay, trước đây chủ yếu xuất khẩu vải, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu trong nước cao, công ty đã chuyển sang tiêu thụ trong nước. "Việc này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong nước sản xuất thuận lợi hơn mà còn giúp họ hưởng lợi, bởi tiêu thụ nội địa vừa giúp rút ngắn thời gian giao dịch, vừa giảm chi phí vận chuyển", đại diện doanh nghiệp cho hay.

Cần chính sách dài hạn

Dù đơn đặt hàng tăng đến 40%, song ông Hà Quyết Thắng không khỏi lo lắng vì tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.

Để sản xuất thiết bị, phụ tùng, linh kiện công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp cũng cần phải có nguyên liệu sắt thép. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã cung ứng được lượng thép khá lớn ra thị trường, nhưng còn một số chủng loại vẫn phải nhập khẩu.

"Nếu dịch bệnh kéo dài 1-2 tháng nữa thì nguyên liệu cũng sẽ trở nên khan hiếm. Đặc biệt, nếu dịch Covid-19 kéo dài lâu hơn thì tất cả hàng hóa nguyên liệu sẽ càng khó khăn, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ", ông Thắng cho hay.

Cũng mối lo ngại này, các doanh nghiệp dệt vải cho hay, để có nguồn cung dồi dào cho dệt may, nguyên liệu bông sợi đều được cung cấp từ trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước không nằm trong vùng dịch lớn. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát mạnh hơn nữa thì nguồn hàng trong nước sẽ không đủ cho sản xuất vải nguyên liệu.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp vẫn thiếu và yếu về quy mô và năng lực, các sản phẩm chủ yếu là linh phụ kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ chia sẻ, cơ hội trước mắt nhưng nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, trình độ nhân công chưa cao. Vì thế, về lâu dài cần các giải pháp như đầu tư nguồn lực từ ngân sách để tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-tang-don-hang-bat-chap-dich-covid-19/20200310023944536"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-tang-don-hang-bat-chap-dich-covid-19-a1689.html