Kịch bản ứng phó với Covid-19 cho nền kinh tế Việt Nam

Trước tình thế cấp bách dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu phải đánh giá cho được diễn biến tình hình của dịch bệnh để xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu.

Dành gói kích cầu hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp trong nước

Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam của Bộ Công thương cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đang tác động đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nhiều là điện, điện tử, dệt may, da giày, túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô... Nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang thiếu hụt, chỉ đủ sản xuất đến tháng 3, tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm dừng sản xuất là rất lớn.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản... dự kiến khiến cho kinh tế thế giới bị tác động ngày càng nặng hơn.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... dự trữ nguyên liệu, 
vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ cho vài ba tuần tới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tổng thể cả nền kinh tế, đảo lộn xã hội. Nên dành gói kích cầu hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp trong nước, vì những doanh nghiệp này vốn đang rất yếu. Đừng để khi doanh nghiệp quá yếu mới hỗ trợ vì lúc đó không còn tác dụng nữa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ bám sát diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp. Từ đó, các đơn vị có đánh giá cụ thể về tác động của dịch bệnh đối với từng ngành hàng cụ thể, nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, đánh giá cả những nguy cơ tác động có thể xảy ra trong tương lai bối cảnh các nước có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

“Phải đánh giá cho được diễn biến dịch và tình hình của nền kinh tế để xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu. Kịch bản tốt là dịch bệnh có thể được kiểm soát trong quý I/2020; kịch bản xấu là chưa tính được hết đỉnh điểm dịch bệnh và dịch bệnh có thể kéo dài hết năm 2020 và lây lan ra nhiều nước; kịch bản rất xấu là có những dự đoán chưa lường hết được. Từ các kịch bản này đưa ra tác động tới nền kinh tế, ngành công nghiệp của chúng ta như thế nào để có giải pháp cụ thể, chính xác”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tìm kiếm nguồn cung để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để thống nhất trong đánh giá, xây dựng kế hoạch, giải pháp và cách phối hợp, đảm bảo trúng mục tiêu, trúng đối tượng...

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Kiểm soát dịch bệnh đã khó, hỗ trợ, giúp sức để doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh càng khó khăn không kém. Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cần sớm nghiên cứu các giải pháp ứng phó, tùy thuộc theo từng kịch bản, tình huống xấu có khả năng xảy ra cả trong trước mắt, trung hạn lẫn dài hạn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích thị trường trong nước đang chứng kiến những tác động trực tiếp của dịch bệnh: Tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc; tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm; nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó trong việc duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang cố gắng xoay sở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực. Tuy nhiên, rất khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả lại cao ngất ngưởng. Cộng thêm chi phí vận tải tăng cao khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó lòng gánh nổi, ngay cả với các doanh nghiệp lớn.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... cho biết, nếu tình hình không khả quan hơn sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I/2020 vì dự trữ nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ cho vài ba tuần tới. Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên. Các doanh nghiệp khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng.

Trước tình thế cấp bách hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đang đề xuất Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn, tùy thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Tập trung giải pháp tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, có hai gói hỗ trợ về tín dụng và giảm thuế trị giá khoảng 280 nghìn tỷ đồng.

Theo Chỉ thị số 11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước

Đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng;

Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng); chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công; trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).

Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật; khẩn trương báo cáo Chính phủ trong tháng 3 này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm và dịch Covid-19 làm cho giá các dịch vụ du lịch giảm, đồng thời giá xăng dầu cũng giảm trong tháng.

Theo Hoan Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/ba-kich-ban-ung-pho-voi-covid-19-cho-nen-kinh-te-viet-nam-a89077.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kich-ban-ung-pho-voi-covid-19-cho-nen-kinh-te-viet-nam-a1616.html