Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 905 triệu USD thủy sản từ Việt Nam, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 5, kim ngạch xuất thủy sản sang Mỹ đạt gần 195 triệu USD - mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng 61% so với tháng 4. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp Việt đẩy nhanh xuất khẩu nhằm "né" chính sách thuế mới của Mỹ.
Tuy nhiên, sau đợt tăng đột biến, thị trường Mỹ đã giảm nhiệt ngay sau đó. Tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang nước này giảm gần 18% so với cùng kỳ, trong đó tôm hạ hơn 36%, cá ngừ giảm hơn 40%.
6 tháng đầu năm, Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Internet
Trong khi đó, Trung Quốc đang trở thành điểm sáng. Sáu tháng qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ. Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Theo VASEP, mặc dù Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn chất lượng, chính sách thương mại ổn định hơn đã giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ lên kế hoạch sản xuất, ký kết các hợp đồng dài hạn.
VASEP cũng cho biết bức tranh xuất khẩu toàn ngành đang dần phục hồi, khi một số doanh nghiệp lớn báo cáo kết quả tích cực. Đơn cử, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn - ghi nhận doanh thu hơn 73 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 96% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
VASEP nhận định xu hướng dịch chuyển đơn hàng giữa các thị trường vẫn sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm, khi doanh nghiệp Việt chủ động thích ứng với các thay đổi từ chính sách thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và khối CPTPP, nhiều doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu giữ thị phần tại Mỹ thông qua mô hình sản xuất "xanh", bền vững, tăng hàm lượng chế biến sâu để gia tăng giá trị.
Mỹ vốn là thị trường cao cấp, giá bán tốt, song với rủi ro chính sách ngày càng khó đoán, doanh nghiệp Việt cho biết buộc phải dịch chuyển. Một số công ty đã tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, mở rộng sang Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và khối CPTPP. Đồng thời, họ cũng đầu tư mạnh vào công nghệ, chuỗi lạnh và truy xuất nguồn gốc để tăng tính cạnh tranh.
Phó Tổng thư ký VASEP đánh giá, trước một trật tự thương mại mới đang hình thành nhiều bất ngờ và khó dự đoán, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động tái cấu trúc chiến lược.
Thứ nhất là đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ; mở rộng thị phần ở các thị trường có hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EU, Hàn Quốc...
Thứ hai là tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu chi phí phát sinh và rủi ro logistics.
Thứ ba là chú trọng minh bạch truy xuất nguồn gốc và xuất xứ nguyên liệu. Đây là yếu tố then chốt trong bối cảnh các chính sách thuế đối ứng ngày càng gắn chặt với tiêu chí về nguồn gốc hàng hóa.
Thứ tư là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số từ truy xuất nguồn gốc điện tử đến quản trị đơn hàng thông minh.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/trung-quoc-lan-dau-vuot-my-tro-thanh-thi-truong-lon-nhat-cua-thuy-san-viet-nam-a15717.html