Tại Chỉ thị 20 ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn... nằm trong Vành đai 1.
Việc thí điểm sẽ thực hiện từ Quý IV năm nay và nhân rộng trong những năm tiếp theo. Đây là quy định mới nhất liên quan đến giải pháp ngăn chặn ô nhiễm nhựa tại Hà Nội. Thành phố thể hiện quyết tâm giảm thải vật liệu này trước tình trạng hơn 1.400 tấn rác nhựa thải ra mỗi ngày.
Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay, phần lớn nhà hàng, quán cà phê và trà sữa tại Việt Nam vẫn sử dụng cốc nhựa dùng một lần cho cả khách ngồi tại chỗ lẫn mang đi.
Một số thương hiệu tung ra chương trình giảm giá khi khách mang theo ly/ bình cá nhân hoặc áp dụng phân loại rác theo 3 nhóm cơ bản: giấy, chất lỏng và nhựa. Tuy nhiên, việc thực hiện còn mang tính hình thức khi không ít khách hàng và nhân viên chưa tuân thủ đúng quy định.
Trước đó hai ngày, HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn. Nghị quyết này là bước đi cụ thể của Hà Nội nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và hướng đến phát triển đô thị bền vững.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2026, các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ không được sử dụng và lưu hành các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm và các loại bao bì nhựa dùng một lần chứa kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể...
Từ 1/1/2027: Chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học. Từ 1/1/2028: Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.
Trong sinh hoạt, không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Từ ngày 1/1/2031, Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và hàng hóa chứa vi nhựa, trừ một số trường hợp như xuất khẩu hoặc đóng gói sản phẩm tiêu dùng.
Theo Nghị định 08 năm 2022, sản phẩm nhựa dùng một lần gồm khay, hộp đựng thực phẩm, bát, cốc, ống hút, dụng cụ khác có thành phần nhựa, được thiết kế để dùng một lần. Còn bao bì nhựa khó phân hủy sinh học là các loại làm từ nhựa PE, PP, PS, PVC, PET, thường lâu phân hủy trong môi trường đất, nước, hoặc bãi chôn lấp.
Bên cạnh Hà Nội, nhiều tỉnh, thành cũng hướng tới mục tiêu giảm thải nhựa. Trong đó, các khu du lịch đã tiên phong triển khai. Các đảo Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), Cô Tô (Quảng Ninh) cấm du khách mang theo túi nilon từ năm 2019 và 2022...
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng: từ sau năm 2025, các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch sẽ không còn sử dụng nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân hủy. Từ ngày 1/1/2026, sẽ giảm dần sản xuất - nhập khẩu túi nilon kích thước nhỏ. Sau năm 2030, Chính phủ kỳ vọng dừng hoàn toàn các loại đồ nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy trên toàn quốc.
Huyền My
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tu-quy-iv-ha-noi-thi-diem-khong-dung-nhua-mot-lan-o-nha-hang-ca-phe-trong-vanh-dai-1-a15698.html