Người Việt dùng "siêu ứng dụng" 5 lần/tuần

Thị trường đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng. Từ việc chỉ sử dụng một ứng dụng cho một nhu cầu, người dùng hiện nay có xu hướng lựa chọn nhiều siêu ứng dụng cùng lúc.

Theo báo cáo “Thói quen sử dụng siêu ứng dụng tại Việt Nam 2025” do Cimigo, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập hoạt động tại châu Á vừa công bố, theo khảo sát với 948 người dùng tại TP.HCM (490) và Hà Nội (458), người Việt sử dụng siêu ứng dụng trung bình 5 lần mỗi tuần. 

Người Việt dùng "siêu ứng dụng" 5 lần/tuần- Ảnh 1.

Người tiêu dùng thường sử dụng nhiều siêu ứng dụng cho cùng một dịch vụ để so sánh giá cả và tìm kiếm các ưu đãi tốt nhất. Giá rẻ, thao tác nhanh và dịch vụ ổn định là ba lý do chính khiến người dùng trung thành với thương hiệu. Thanh toán điện tử, Gọi xe máy và Đặt đồ ăn là 3 dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất.

Mặc dù mua sắm online chỉ đứng thứ tư về tần suất sử dụng, song đây lại là dịch vụ ngốn nhiều tiền nhất của người dùng, trung bình 1,1 triệu đồng/tháng. Theo sau là dịch vụ giao đồ ăn với chi tiêu trung bình mỗi tháng hơn 590.000 đồng và gọi xe máy với hơn 320.000 đồng.

Tại TP.HCM, nhóm người dùng từ 25 đến 44 tuổi có tần suất sử dụng và mức chi tiêu cho các dịch vụ trên siêu ứng dụng cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt trong dịch vụ giao đồ ăn. Trong khi đó, dịch vụ gọi xe ô tô lại được nhóm người từ 44 tuổi trở lên sử dụng thường xuyên hơn, cho thấy sự khác biệt về nhu cầu di chuyển giữa các thế hệ.

Với nhu cầu này, Cimigo nhận định, mô hình “tất cả trong một” đang thu hút người tiêu dùng nhờ việc tích hợp nhiều dịch vụ trong một nền tảng duy nhất, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và thao tác. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cimigo người tiêu dùng hiện nay có xu hướng sử dụng nhiều siêu ứng dụng đồng thời để so sánh giá cả và tìm kiếm ưu đãi, phản ánh hành vi mua sắm linh hoạt và nhạy cảm với chi phí.

Về mức độ phổ biến thương hiệu, Cimigo ghi nhận rằng MoMo, Shopee, Be và Grab là những ứng dụng dẫn đầu với tỷ lệ chuyển đổi từ nhận biết sang sử dụng thực tế cao. Mỗi ứng dụng có chiến lược riêng, nhưng điểm chung là đều đang chạy đua để giành lấy sự tin dùng của người dùng Việt - một thị trường năng động, nơi người tiêu dùng ngày càng thông minh và yêu cầu cao hơn về sự tiện lợi trong từng lựa chọn.

Minh An (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nguoi-viet-dung-sieu-ung-dung-5-lantuan-a15511.html