Lý giải về điều này, WB cho rằng là một nền kinh tế định hướng xuất nhập khẩu (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương gần 170% GDP), nền kinh tế Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước các biến động trong chính sách thương mại toàn cầu.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng kim ngạch, trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu (38%).
Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, niềm tin của người tiêu dùng có thể tiếp tục suy yếu, kéo theo chi tiêu tiêu dùng thấp. Trong khi đó, các rủi ro trong lĩnh vực tài chính vẫn hiện hữu. Mặc dù Chính phủ còn dư địa tài khóa để kích cầu, việc thực thi các biện pháp hỗ trợ có thể bị cản trở bởi tình trạng giải ngân đầu tư công chậm kéo dài.
WB dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam ở mức 5,8% trong năm 2025. Ảnh: Internet
"Các rủi ro bên ngoài - như sự thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại, tốc độ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn kỳ vọng và mức độ bất định cao trong các chính sách toàn cầu - có thể làm chậm đà xuất khẩu cũng như dòng đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)", WB cảnh báo.
Dù còn nhiều rủi ro, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, từ 3,8% năm 2024 xuống 3,6% năm 2025 (theo chuẩn 3,65 đô la Mỹ/ngày). Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp chậm có thể hạn chế hiệu quả giảm nghèo ở nhóm dễ tổn thương.
Các chuyên gia khuyến nghị cần đẩy mạnh đầu tư công để giải quyết điểm nghẽn hạ tầng, đồng thời kiểm soát rủi ro tài khóa và thúc đẩy cải cách cơ cấu.
Dù dư địa chính sách tiền tệ còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn là công cụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
WB đánh giá, sau các cải tiến gần đây như sửa Luật Các tổ chức tín dụng, việc tiếp tục giảm rủi ro hệ thống tài chính là then chốt để tăng sức chống chịu và ổn định. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất là trong hạ tầng viễn thông, điện lực và giao thông.
Ngân hàng này cũng dự báo tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực, với GDP dự kiến đạt 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027. Để đạt được mức này, Việt Nam cần môi trường quốc tế ổn định hơn, đồng thời đẩy mạnh cải cách trong nước, nâng năng suất, đầu tư vào vốn con người và thúc đẩy xanh hóa kinh tế.
Trước đó, Ngân hàng UOB của Singapore cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 xuống 6%, thấp hơn 1 điểm % so với dự báo trước đó là 7%.
Nguyên nhân là Việt Nam dễ tổn thương trước các biện pháp hạn chế thương mại và cần chuẩn bị tâm thế ứng phó với tác động lan rộng của các mức thuế mới, do tính chất mở của nền kinh tế: xuất khẩu chiếm tới 90% GDP của Việt Nam – cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore (174%), đồng thời có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
“Với mức thuế đối ứng cao chưa từng có, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rủi ro thực sự về sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, khi người tiêu dùng Mỹ phản ứng với giá cả tăng bằng cách hủy hoặc trì hoãn đơn hàng, hoặc thậm chí chuyển sang lựa chọn hàng nội địa khi chênh lệch giá thu hẹp”, UOB lo ngại.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/wb-ha-du-bao-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-trong-nam-2025-xuong-58-a15431.html