Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân bền vững

Khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Khi rào cản dần được tháo gỡ, cùng với chính sách thông thoáng và môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, kinh tế tư nhân sẽ đủ sức trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu của đất nước.

Kinh tế tư nhân bao gồm ba khu vực: doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế cá thể và khu vực kinh tế tập thể. 

Theo số liệu của Cục Thống kê, từ con số khoảng 35.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký từ năm 2000 đến nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng gấp 20 lần, khoảng 940.000 doanh nghiệp với gần 95% doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước với hơn 80% tổng số lao động cả nước. 

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp tới gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. 

Những con số trên thể hiện, quy mô và hiệu quả đóng góp của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân bền vững- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: SGGP

Các chuyên gia cho rằng, hai vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện nay là: thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí không chính thức cao và khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực như cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. 

Quốc hội cũng đã ban hành nhiều đạo Luật, Nghị quyết quan trọng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung, doanh nghiệp nói riêng phát triển.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Gần đây nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 526/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân (Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân để trình Bộ Chính trị, nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng các chính sách rất cụ thể với những mô hình thương mại mới, ví dụ như cho phép từ nhà sản xuất đến thẳng cửa hàng để quãng đường được rút ngắn khoảng cách và thời gian. Bộ đặt ra mục tiêu tỷ lệ hàng Made in Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại đạt từ 80 - 90%.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, cần giải pháp đồng bộ, trong đó việc cải thiện điều kiện tiếp cận vốn và khuyến khích đăng ký kinh doanh đóng vai trò then chốt.

Cụ thể là ưu tiên cấp vốn cho các doanh nghiệp có đăng ký trong ba năm đầu tiên, với lãi suất ưu đãi và không yêu cầu thế chấp. Để đảm bảo tính hiệu quả, các doanh nghiệp phải duy trì hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, nhằm tránh tình trạng sử dụng vốn sai mục đích. 

Thứ hai, cơ chế ưu đãi vốn giúp giảm bớt gánh nặng tài chính ban đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập, vốn thường thuộc nhóm siêu nhỏ và nhỏ.

Cuối cùng, đây cũng là một hình thức đầu tư gián tiếp của Nhà nước vào các startup, tương tự vai trò của "nhà đầu tư thiên thần" (những người đầu tư vào các công ty start-up trong giai đoạn đầu), nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, phát triển nhỏ lẻ đơn độc thiếu liên kết, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, thậm chí nhiều hộ kinh tế cá thể thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp và "không muốn lớn"… là những hạn chế đã được nhận diện trong khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua. Để hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và quốc tế, nhiều giải pháp đã và đang được triển khai.

Cùng với nhóm giải pháp cải cách thể chế và chính sách, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp trao quyền hay tạo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ… cho khu vực kinh tế tư nhân cũng cần được thúc đẩy. Có như vậy mới thực sự thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

An Mai (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-ben-vung-a15427.html