Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 630 triệu USD

Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng tương đối cao, dự báo đạt 630 triệu USD trong năm nay và 1,1 tỷ USD vào cuối thập kỷ.

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, trong vòng 10 năm qua, tổng doanh thu toàn cầu về sản phẩm và dịch vụ tăng trưởng từ 2.500 tỷ USD năm 2023 lên khoảng 16.400 tỷ USD vào năm 2033, tức là tăng khoảng 6,5 lần.

Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 630 triệu USD- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong đó, thị phần đóng góp của AI tăng từ 189 tỷ USD lên 4.772 tỷ USD, tức là tăng trưởng gấp 25 lần. Điều đó cho thấy AI đã trở thành công nghệ vượt trội, có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống và trở thành nhân tố quan trọng của thế giới công nghệ hiện nay.

Tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit (DCCI Summit) 2025 do Viettel IDC phối hợp cùng các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới tổ chức, ông Lê Bá Tân, CEO Viettel IDC, cho biết AI phát triển mạnh mẽ kéo theo gia tăng đột biến của tài nguyên tính toán. 

Từ thực tế mức tăng trưởng đầu tư cho hạ tầng của 4 nhà cung cấp dịch vụ Cloud lớn nhất của Mỹ (Meta, Google, Microsoft, Amazon), cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử vào quý 3/2024, tổng đầu tư đã vượt 2 lĩnh vực vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp (viễn thông và dầu khí). Con số này minh chứng cho việc AI đã và đang làm thay đổi toàn diện chiến lược hoạt động, hạng mục đầu tư của các Big Tech công nghệ.

Bên cạnh xu hướng trung tâm dữ liệu (DC) AI, các DC truyền thống cũng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Theo thống kê, tổng số trung tâm dữ liệu trên thế giới trong năm 2025 đã đạt 11.800 DC, tăng 30% chỉ trong 2 năm (năm 2023 khoảng 9.000 DC).

Thị trường DC toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định đến năm 2030 với tốc độ khoảng hơn 7%. Dự báo năm 2025, thị trường DC toàn cầu đạt khoảng 345 tỷ USD và tăng trưởng đều từ nay đến cuối thập kỷ.

Với mức tăng trưởng lớn như trên, xuất hiện xu hướng triển khai các DC sang thị trường mới có lợi thế về tài nguyên (năng lượng, giá thuê hạ tầng, đất đai…) thay vì ở các nước phát triển.

Trong cuộc đua dịch chuyển sang các thị trường mới của các big tech hàng đầu thế giới, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế như giá điện thấp, chi phí thuê đất cạnh tranh, chi phí đầu tư trung tâm dữ liệu chỉ khoảng 6,7 triệu USD/MW (thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong khu vực), giá thuê dịch vụ Co-location rẻ hơn 40 - 80% so với các nước lân cận và trên thế giới…

Trong khi các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines dư thừa nguồn cung thì riêng Việt Nam có hiện tượng nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp của các nhà cung cấp hiện tại.

Đây chính là một trong những cơ hội tốt để cho các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục phát triển, ông Tân cho biết.

Dù không thể phủ định, Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế so với các quốc gia khác, tuy nhiên, theo CEO Vietttel IDC, các quyết sách và chiến lược mạnh mẽ từ Đảng và Chính phủ, là những động lực tiếp sức trong cuộc đua trung tâm dữ liệu của Việt Nam.

Dự báo tổng quy mô thị trường dữ liệu DC tại Việt Nam năm 2025 khoảng 630 triệu USD và sẽ tăng trưởng tốt từ nay đến cuối thập kỷ, đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Ngoài ra, sự phát triển nóng của ngành trung tâm dữ liệu luôn đi kèm với những mối lo ngại về tính bền vững. Khi xu hướng phát triển “xanh” ngày càng lan rộng, bên cạnh việc xác định đúng nhu cầu và loại hình dịch vụ để triển khai thiết kế trung tâm dữ liệu, các nhà cung cấp buộc phải chú trọng hơn đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn công nghệ tiên tiến, tối ưu hiệu suất vận hành, tiết kiệm năng lượng, đồng thời ứng dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon. Trong dài hạn, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng trong chuỗi phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp.

Minh An (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quy-mo-thi-truong-trung-tam-du-lieu-viet-nam-nam-2025-se-dat-630-trieu-usd-a15420.html