Vụ sữa giả: Chi cục ATVSTP Hà Nội cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố 71 sản phẩm

Trong số gần 600 loại sữa giả, vừa được Bộ Công an triệt phá, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đã thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm. Trong đó, chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng…

Cụ thể, thông tin trước báo chí, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay, Chi cục đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma 67 hồ sơ công bố; Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group 4 hồ sơ công bố.

Như vậy, trong gần 600 sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục ATVSTP Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm (12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng.

“Tuy nhiên, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai… Gần 90% các sản phẩm còn lại được công bố tại các tỉnh, thành khác”, đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội khẳng định.

Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả. Bá ToànCơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả. Bá Toàn

Liên quan đến vụ án này, vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã có phản hồi về đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn, có doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Bộ Công Thương khẳng định không cấp phép, không quản lý trực tiếp, còn Bộ Y tế cho rằng trách nhiệm thuộc các địa phương.

Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ không có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.

Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 15/4 Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc sản xuất kinh doanh sữa giả. Văn bản của Cục phân tích rõ nội dung: Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo còn việc cấp phép, hậu kiểm là trách nhiệm của các địa phương.

Gần 700 nhãn hiệu sữa giả được tuồn ra thị trường trong 4 năm qua. Ảnh: Bá ToànGần 700 nhãn hiệu sữa giả được tuồn ra thị trường trong 4 năm qua. Ảnh: Bá Toàn

Đánh giá về vụ án gần 600 loại sữa giả, vừa được Bộ Công an triệt phá, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội) cho biết:

Vụ việc này đã khiến người tiêu dùng hoang mang vì số lượng gần 600 loại sữa bột giả tiêu thụ hơn 4 năm qua vô cùng lớn. Nguy hiểm hơn, là có cả loại sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

“Với số lượng gần 600 loại sữa bột giả, doanh thu khổng lồ gần 500 tỷ đồng và hoạt động ngang nhiên trong suốt nhiều năm qua đã cho thấy thực trạng quản lý an toàn thực phẩm nội địa đang có lỗ hổng lớn. Khi sự việc được phát hiện, hàng nghìn gia đình, người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý vì đã để những đối tượng sản xuất sữa giả "tự tung tự tác" trên thị trường hơn 4 năm qua. Qua vụ việc này có thể thấy, thị trường nội địa đang bị buông lỏng, niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm nghiêm trọng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Tuấn Ngọc (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/vu-sua-gia-chi-cuc-atvstp-ha-noi-cap-giay-tiep-nhan-dang-ky-cong-bo-71-san-pham-a15402.html