Tại Hội nghị WFIS 2025 với chủ đề “Đổi mới Tài chính”, tại Hà Nội, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn ngành trong phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và cung cấp lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phần lớn ngân hàng đã kết nối và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai định danh khách hàng qua căn cước công dân gắn chip.
Số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chỉ phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.
Những con số này không chỉ minh chứng cho tốc độ chuyển đổi số mà còn thể hiện sự phổ cập tài chính, giúp hàng chục triệu người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, tiếp cận các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, những công nghệ hiện đại như xác thực sinh trắc học, thanh toán một chạm qua mã QR đã được nhiều ngân hàng áp dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện đang tích cực ứng dụng AI trong 2 lĩnh vực chính, đó là quản trị và phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo và điều hành kinh doanh và phát hiện những rủi ro gian lận và rửa tiền phục vụ công tác quản trị rủi ro và tuân thủ.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh khai thác, phát triển dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia một cách có hiệu quả. Hơn 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trực tuyến, với gần 14,6 triệu tài khoản và 46,2 triệu hồ sơ nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, tổng số tiền lên tới hơn 12,9 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định 810 đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn, đồng thời 70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên các kênh số.
Để đạt được mục tiêu này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc trong thời gian tới. Và sẽ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và Blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet, cũng như thử nghiệm fintech qua sandbox...
An Mai (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/so-tai-khoan-thanh-toan-ca-nhan-tai-viet-nam-dat-ky-luc-moi-a15393.html