Phát biểu giải trình ngày 29/10 tại Quốc hội liên quan đến vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm đến hàng hoá giá rẻ nước ngoài “xé lẻ” đơn hàng dưới 1 triệu để né thuế về Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc Việt Nam không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhỏ lẻ nhập khẩu dưới giá trị 1 triệu đồng thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Kyoto năm 1973 và được cụ thể hoá tại Quyết định 78 năm 2010.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, các quốc gia khác đã bỏ thực hiện Công ước này, trong đó EU đã bỏ quy định không tín thuế đối với giá trị hàng hoá chuyển phát nhanh qua đường bưu điện dưới 22 USD, nước Anh xoá bỏ việc miễn thuế đối với hàng hoá dưới 135 USD, Singapore từ ngày 1/1/2023 cũng bỏ quy định miễn thuế hàng hoá giá trị nhỏ vận chuyển và giao dịch qua thương mại điện tử, trong khi đó Thái Lan đánh thuế VAT 7% với tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu.
“Vì vậy, về phía Việt Nam, Chính phủ đã quyết định bãi bỏ Quyết định 78/2010 và đưa vào quy định tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) rằng hàng hóa nhỏ phải nộp thuế. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng "xé lẻ" đơn hàng dưới 1 triệu đồng để né thuế, gây thất thu ngân sách và cạnh tranh không lành mạnh", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhận định, việc sàn thương mại điện tử Temu đang nổi đình nổi đám khi giao dịch hàng hóa với giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng là "đang tận dụng Quyết định 78/2010 của Việt Nam để bán hàng giá rẻ vào thị trường”.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ thất thu thuế lớn nếu miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử.
Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông (VNPT), tháng 3/2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Tức là, trung bình mỗi ngày có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ không được thu thuế nhập khẩu và VAT.
Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng giả sử bình quân mỗi đơn hàng loại này khoảng 200.000 đồng, thì với 4-5 triệu đơn hàng, tổng giá trị lên tới 800 tỷ đồng.
"Từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ, nhưng tổng lượng hàng nhập theo hình thức này chiếm lượng lớn. Sẽ thất thu thuế lớn nếu miễn thuế với loại hàng này", ông Hiếu nói, thêm rằng chưa kể có tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để tránh thuế. Với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa có giá trị nhập khẩu nhỏ có khối lượng ngày càng lớn, việc miễn thuế đối với hàng giá trị nhỏ sẽ khiến ngân sách thất thu lớn.
Bên cạnh đó, tình trạng nước ngoài lợi dụng chính sách, pháp luật Việt Nam để né thuế, hưởng ưu đãi cũng gây thất thu và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ trong nước tuân thủ pháp luật.
Theo báo cáo về thương mại điện tử 9 tháng năm 2024 của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam; người Việt chi 1 tỷ USD mua hàng online mỗi tháng. Với hiệu lực của Quyết định 78/2010, Việt Nam đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/se-thu-thue-vat-hang-hoa-duoi-1-trieu-dong-nhap-qua-san-tmdt-a14933.html