Doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế năm 2025

Theo báo cáo khảo sát với 900 đại diện doanh nghiệp với của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới có những tín hiệu tích cực.

Theo Ban IV, dù còn không ít doanh nghiệp nhận định tiêu cực về nền kinh tế nhưng khi so sánh với hai kỳ khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô, triển vọng kinh tế ngành, khả năng tiếp cận thị trường vốn, triển vọng thị trường cho sản phẩm kinh doanh, dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khảo sát lần này đã thể hiện sự tích cực ở tất cả các mặt. 

Trong đó, đối với đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, khi so với khảo sát tháng 4/2023, các chỉ số cho thấy sự cải thiện rất nhiều: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế “rất tích cực” gấp 5 lần, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế “tích cực” gấp gần 6 lần, trong khi lựa chọn “tiêu cực” và “rất tiêu cực” cũng giảm với tỷ lệ lớn (35,1% so với 58,4% và 9,9% so với 23%).

Doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế năm 2025- Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan hơn về triển vọng kinh tế năm 2025. Ảnh minh họa: Int

Tuy nhiên, khó khăn và thách thức dự báo vẫn hiện hữu khi tỷ lệ các doanh nghiệp lựa chọn các đáp án “tiêu cực/rất tiêu cực” còn ở mức khá cao: 45% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng kinh tế vĩ mô; 54,6% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng kinh tế ngành; 49,6% đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng tiếp cận vốn; 50,5% đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng tiếp cận thị trường.

Kết quả khảo sát cho thấy sự thận trọng của doanh nghiệp đối với triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới, với tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tiêu cực chiếm ưu thế (45%) so với tỷ lệ đánh giá tích cực (23,5%).

Ngành công nghiệp thể hiện sự lạc quan nhất với điểm trung bình 2,82/5, trong khi, ngành xây dựng có điểm số thấp nhất, 2,55/5. Ngành dịch vụ có đánh giá về triển vọng 12 tháng tới chỉ cao hơn mức điểm trung bình chung một chút.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thể hiện sự tích cực nhất với điểm trung bình là 3,15/5. Đây là lần đầu tiên điểm trung bình của loại hình doanh nghiệp này vượt trên mức 3, mức bình thường trong 3 kỳ khảo sát Ban IV đã tiến hành.

Trong khi đó, doanh nghiệp FDI thể hiện niềm tin tương đối tích cực với điểm trung bình 2,93/5. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngoài nhà nước lại có mức điểm thấp nhất, 2,68/5, cho thấy sự khác biệt rõ rệt về mức độ lạc quan giữa các loại hình doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá về triển vọng kinh tế 12 tháng tới không tích cực bằng doanh nghiệp tại Hà Nội và mức trung bình chung cả nước. Qua 3 kỳ khảo sát, sự phục hồi của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được như mong đợi, thể hiện qua niềm tin của doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn ở mức bi quan nhất.

Theo đó, mặc dù vẫn còn một số doanh nghiệp tỏ ra lo ngại về tình hình kinh tế, nhưng nhìn chung, niềm tin của doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể so với các kỳ khảo sát trước đó. 

Xét theo điểm trung bình, kết quả tích cực thể hiện đều ở các ngành và toàn bộ các khía cạnh trong triển vọng kinh tế vĩ mô của khảo sát này so với các khảo sát năm 2023. Mặc dù doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn tỏ ra bi quan nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô nhưng điểm trung bình đã cao hơn rất nhiều. 

Điểm trung bình chung của các doanh nghiệp tham gia khảo sát này là 2,72, cao hơn 0,39 điểm so với khảo sát tháng 12/2023 và cao hơn 0,72 so với khảo sát tháng 4/2023. Điều đó cho thấy, triển vọng kinh tế đang phục hồi một cách ổn định qua các kỳ khảo sát. 

Huyền My (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doanh-nghiep-khoi-phuc-niem-tin-vao-trien-vong-kinh-te-nam-2025-a14923.html