Khó khăn bủa vây ngành thép

Tuy nhiên, dự báo ngành thép khó đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng trong năm nay do lượng hàng tồn kho còn khá lớn, tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng…

Gia tăng sức ép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép. VSA dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 của nước ta có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Tiêu thụ thép dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn, tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn do các doanh nghiệp ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng. Ước tính lượng hàng tồn kho năm nay khoảng 8,4 triệu tấn.

Từ lần điều chỉnh tăng giá đầu tiên vào đầu năm 2024 (tăng 200-400 nghìn đồng/tấn, đạt mức 15 triệu đồng/tấn) sau 21 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023, đến nay giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức 13,4-13,6 triệu đồng/tấn với loại thép thành vằn CB300.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thị trường sắt thép toàn cầu có xu hướng giảm giá rõ nét. Bên cạnh đó, giá thép trong nước giảm còn do các doanh nghiệp thép phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

cac-loai-thep-xay-dung-1652138202-1728008962.jpg
 

Theo báo cáo của VSA, riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thô đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 12,4 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, tăng 45% so với cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 8,2 triệu tấn thép thành phẩm các loại với trị giá gần 6 tỷ USD, tăng tới 47,88% về lượng và tăng 25,15% về giá trị so với cùng kỳ 2023, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,2 tỷ tấn thép/năm.

Không chỉ thị trường trong nước, hoạt động xuất khẩu thép của nước ta cũng gặp khó do các doanh nghiệp đang vấp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, với các “hàng rào” kỹ thuật chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ mà các thị trường nhập khẩu dựng lên. Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% số vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,…

Đáng nói, những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Australia, Ấn Độ,… trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam. Và gần đây nhất, Ấn Độ công bố sẽ áp thuế từ 12-30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam; EU cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng Việt Nam giai đoạn từ 1/4/2023 đến 31/3/2024,…

Tìm giải pháp tháo gỡ

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hoạt động sản xuất nội địa, mà trực tiếp là ngành sản xuất thép trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ của nước xuất khẩu vào Việt Nam.

Song về lâu dài, Nhà nước cần thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.

Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho rằng, tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu từ nước ngoài đang làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng sắt thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn bao giờ.

Đáng chú ý, từ tháng 1/2026, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) nhằm đánh thuế các-bon đối với các sản phẩm xuất khẩu đến thị trường này đã tạo ra lực cản không nhỏ đối với tăng trưởng của ngành thép.

Do đó, mong muốn Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan có biện pháp ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công,… nhằm giúp ngành thép có đà phục hồi trong thời gian tới.

Ngoài các vấn đề mang tính thời điểm, theo các chuyên gia, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, do đi sau cho nên ngành thép Việt Nam vẫn còn những hạn chế, điểm nghẽn mang tính dài hạn so với các nước khác. Trong đó, năng lực sản xuất còn hạn chế, nhập khẩu thép còn lớn, sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, còn thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật.

Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Các doanh nghiệp ngành thép mong muốn Chính phủ có sự ứng phó kịp thời, tích cực và hài hòa lợi ích để bảo vệ nền sản xuất thép phát triển bền vững, lành mạnh.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín, chủ động tái cơ cấu, tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến, nhằm giảm giá thành sản phẩm nhằm tạo năng lực cạnh tranh tốt nhất với thép nhập khẩu.

Đồng thời, cần chủ động được nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường, cơ cấu sản phẩm, nhất là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt với biên lợi nhuận cao, nhanh chóng chuyển đổi sản xuất tiêu thụ xanh theo cam kết của Chính phủ tại COP26.

Nguồn: Hiệp hội Thép thế giới (WSA)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kho-khan-bua-vay-nganh-thep-a14822.html