Theo thống kê, hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là động lực giúp Việt Nam liên tục đứng trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Trong thời gian tới, kiều hối sẽ vẫn giữ đà tăng và còn cao hơn các năm trước.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết riêng trong nửa đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng quý II/2024, kiều hối chuyển về đạt 2,309 tỷ USD, tuy có giảm 19,5% so với quý I/2024, nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm tỷ trọng 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Theo ước tính, trung bình 3 năm gần đây, Việt Nam đã nhận tới 17 - 18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Dựa vào tình hình biến động kinh tế trong nước và thế giới, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD.
Theo nhiều chuyên gia, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng tăng do nhiều động lực. Động lực đầu tiên đó là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, dòng vốn có thể dịch chuyển khỏi các tài sản bằng đồng USD vì lợi suất giảm. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các thị trường mới nổi hoặc các nước đang phát triển, nơi có lợi suất đầu tư cao hơn, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, kiều hối có tính chất mùa vụ, dịp cuối năm và gần Tết Nguyên đán sẽ là lúc kiều bào ta ở nước ngoài gửi tiền về cho gia đình để đầu tư, mua sắm. Vì vậy giai đoạn này kiều hối sẽ tăng lên đáng kể so với các thời điểm khác trong năm.
Thứ ba, những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 được cho sẽ gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho Việt kiều tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy nguồn kiều hối vào thị trường địa ốc. Trong đó, việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều là một trong những điểm mới nổi bật của luật, gỡ bỏ rào cản pháp lý cũng như khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng cho Việt kiều.
Những quy định thông thoáng hơn được kỳ vọng sẽ hút dòng kiều hối từ nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn kiều hối gửi về không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, mà còn hỗ trợ giảm căng thẳng cho thị trường ngoại hối. Với đặc tính là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại, kiều hối tạo ra nguồn vốn ổn định cho phát triển kinh tế, hỗ trợ giảm rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định lượng kiều hối về Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng so với nguồn lực hiện nay vì thiếu chính sách khuyến khích đặc thù cho đầu tư.
Để thu hút nguồn vốn kiều hối nhiều hơn cho phát triển kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu đề nghị, trước mắt cho phép gửi tiết kiệm ngoại tệ tính lãi suất khoảng 1 - 2%/năm thay vì mức 0% như hiện nay. Với mức tỷ giá tăng hàng năm từ 3 - 5% thì mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với lãi suất tiết kiệm tiền Đồng, đảm bảo tiền Đồng vẫn hấp dẫn.
Về lâu dài, chính quyền địa phương có thể thực hiện phát hành trái phiếu thu hút nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt... Hiện, nhiều kiều bào muốn đóng góp xây dựng phát triển quê hương nhưng không biết tiếp nhận thông tin như thế nào.
Minh An (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/wb-luong-kieu-hoi-ve-viet-nam-nam-2024-co-the-dat-144-ty-usd-a14815.html