Theo kết quả khảo sát, có 48,7% doanh nghiệp đánh giá rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết/rất cần thiết, trong đó 16,9% đánh giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng cho việc chuyển này còn rất thấp.
Có đến 64% doanh nghiệp được khảo sát “chưa chuẩn bị gì” cho chuyển đổi xanh. Trong đó, chỉ có 5,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết “đã thực hiện” các hoạt động “cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm” còn tỷ lệ doanh nghiệp “đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm” chỉ ở mức 3,8%.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp ngành nông, lâm thủy sản và công nghiệp đánh giá mức độ cần thiết phải chuyển đổi xanh cao hơn so với doanh nghiệp ngành xây dựng, dịch vụ.
Cụ thể, có tới 59,6% doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh, trong đó 24,9% đánh giá là rất cần thiết. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp ngành công nghiệp là 54,1%.
Trong khi đó, doanh nghiệp ngành xây dựng và dịch vụ là khoảng 45%. Một số ngành đặc thù nhận diện sự cần thiết khá cao như doanh nghiệp sản xuất dệt may với 55,9%. Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo 52,6%, doanh nghiệp khai khoáng 56,5%, doanh nghiệp vận tải kho bãi là 48,8%.
Về tổng thể, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh cao hơn một chút so với doanh nghiệp trong nước (55,2% so với 48%). Doanh nghiệp có doanh thu càng lớn thì đánh giá mức độ cần thiết càng cao.
Ban IV đánh giá, với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.
Về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong chuyển đổi xanh, có 34,7% doanh nghiệp cho biết khó khăn về thông tin; 36,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về chiến lược; 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 48,6% doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự; 44,2% doanh nghiệp gặp khó khăn về các giải pháp kỹ thuật.
Theo Ban IV, nguồn vốn là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Đáng chú ý, có đến 62,7% doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000-1.500 tỷ cho rằng, “gặp khó khăn về vốn”. Doanh nghiệp nội địa khó khăn vốn hơn khu vực FDI.
Tại phiên đối thoại chính sách hôm 25/9, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ này sắp trình Thủ tướng về lập quỹ hỗ trợ đầu tư. Đây sẽ là nguồn lực doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh, nhóm nghiên cứu của Ban IV đề xuất Việt Nam cần thúc đẩy nhanh các chương trình nâng cao năng lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với cuộc chơi mới. Các chính sách mới cần tập trung vào tài chính xanh, nhân lực, thị trường tín chỉ carbon và chuyển đổi công nghệ - năng lượng.
Về phía doanh nghiệp, họ kiến nghị có cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng xanh để giảm chi phí, khắc phục khó khăn về vốn khi chuyển đổi.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/hon-60-doanh-nghiep-viet-chua-chuan-bi-gi-cho-chuyen-doi-xanh-a14797.html