Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, có hệ thống núi non, có rừng Hương Sơn 3 tầng thực vật, có suối Yến trong xanh. Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497), sau nhiều lần được tu bổ, sửa chữa, đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng và đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của đạo Phật Việt Nam.
Năm 1962, Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) đã ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Hương. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg.
Lễ hội chùa Hương hằng năm mở từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến cuối tháng 3 âm lịch, là “lễ hội dài ngày nhất nước”. Mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt người tham quan, trẩy hội chùa Hương. Du khách đến chùa Hương vừa là để lễ Phật, vừa được thưởng ngoạn một vùng non nước kỳ vĩ nên thơ với những núi non, hang động, chùa chiền - nơi lưu truyền Phật thoại Nam Hải Quán Thế Âm Bồ tát tu hành đắc đạo, lưu dấu thơm trên đất Phật này.
Trong khi đó, Hồng Vân là một xã ngoại thành ven đê sông Hồng thuộc huyện Thường Tín. Từ nhiều năm nay, Hồng Vân đã và đang nỗ lực phát huy thế mạnh để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương.
Năm 2018, làng nghề sinh vật cảnh của xã Hồng Vân đã được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch của thành phố. Cuối năm 2019, xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, xã Hồng Vân được thành phố công nhận là Khu du lịch cấp thành phố.
Hình ảnh du lịch làng quê Hồng Vân đã tạo sức hút đối với đông đảo du khách, trung bình hàng năm xã đã đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng. Điểm du lịch Hồng Vân được Sở Du lịch Thành phố đánh giá là điểm du lịch chất lượng cao và có tiềm năng phát triển của thành phố và từng bước đưa Hồng Vân trở thành một trong những trung tâm kết nối thương mại, dịch vụ, du lịch trong vùng và đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện; phấn đấu đến năm 2030 huyện Thường Tín trở thành một quận, trong đó xã Hồng Vân trở thành một phường xanh; lấy kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề là kinh tế chủ lực.
Với việc chính thức công nhận 2 khu du lịch cấp thành phố, TP Hà Nội yêu cầu các địa phương có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển khu du lịch theo đúng Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ha-noi-chua-huong-va-khu-du-lich-hong-van-duoc-cong-nhan-khu-du-lich-cap-thanh-pho-a14784.html