Lợi thế của cá tra Việt Nam trên thị trường cá trắng xuất khẩu

Cá tra Việt Nam được xuất khẩu đến gần 140 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cá tra đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 85 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu tính đến ngày 15/7/2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, CPTPP là các điểm đến lớn nhất của cá tra Việt Nam. Song các thị trường này cũng tiêu thụ các loài cá thịt trắng khác, là những đối thủ “nặng ký” của cá tra Việt Nam.

Lợi thế của cá tra Việt Nam trên thị trường cá trắng xuất khẩu- Ảnh 1.

Lợi thế của cá tra Việt Nam cạnh tranh với các loại cá khác. Ảnh: Internet

Đó là cá tuyết (cod) được coi là "vua" của các loại cá, cá minh thái (Hake), cá rô phi... Những loại cá này được ưa chuộng tại nhiều thị trường nhưng cũng có điểm yếu như giá cao, nguồn cung hạn chế, ít đa dạng...

Còn với cá tra Việt Nam, VASEP đánh giá, cá tra Việt Nam có lợi thế riêng biệt. Cá tra thường có giá thành thấp hơn so với các loại cá thịt trắng khác, giúp thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.

Ngoài ra, đây là loại cá có sản lượng lớn, ổn định. Việt Nam là một trong những nước sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường. Ngoài ra, mặt hàng này còn có thể mạnh là đa dạng sản phẩm. Cá tra được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Hơn nữa, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, giúp giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng.

Tuy nhiên, theo VASEP, chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam chưa đồng đều, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, thức ăn, môi trường nuôi trồng. Ngoài ra, mặt hàng này còn phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, các quy định kỹ thuật, chính sách của các thị trường liên tục thay đổi, cạnh tranh không lành mạnh...

Do đó, dù có lợi thế về giá thành và sản lượng, nhưng doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam cần:

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng thương hiệu: Tạo dựng hình ảnh tích cực cho cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đa dạng hóa thị trường: Tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường cao cấp.

Phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng: Chế biến cá tra thành các sản phẩm có giá trị cao hơn. 

Đầu tư vào công nghệ: Áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và bảo quản cá tra.

Phát triển bền vững: Tập trung vào phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi cho người lao động.

An Mai (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/loi-the-cua-ca-tra-viet-nam-tren-thi-truong-ca-trang-xuat-khau-a14608.html